Nguồn tạng hiến từ người chết não ở Việt Nam vẫn còn quá ít, điều này khiến cho hoạt động của các trung tâm ghép tạng trên cả nước hoạt động kém hiệu quả.
Hiện ở Việt Nam ghép tạng từ người cho chết não mới chỉ chiếm 0,15% trong tổng số ca ghép tạng, trong khi trên thế giới nhiều nước lên đến 50-60%.
Thông tin được nêu ra tại Hội nghị Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng khu vực phía Nam do Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp tổ chức ngày 5/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người của Bộ Y tế, cho biết từ năm 1992, Việt Nam thực hiện ghép thận từ người sống, năm 2010, ghép thành công tạng từ người chết não.
Đến nay, nước ta đã có hơn 7.800 người được ghép tạng; trong số đó chỉ có 0,15% nguồn tạng từ người cho chết não, chủ yếu từ người cho sống. Tỷ lệ này hoàn toàn trái ngược với các nước phát triển.
Ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, tỷ lệ ghép tạng, ghép mô từ người chết não rất cao, từ 50-60%, thậm chí là hơn 90% như ở Tây Ban Nha, Pháp... Ngay ở các nước khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng có số lượng ca chết não hiến tạng cao hơn Việt Nam.
Năm 2022, Thái Lan có 700 ca ghép tạng, có đến 547 ca ghép thận từ người cho chết não, Trung Quốc có 10.187 ca ghép thận thì trong đó có 5.304 ca ghép từ người chết não, tim…
Hiện cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Việt Nam chưa thông qua đề xuất ghép tạng từ người chết tim nên nguồn tạng hiến vô cùng khan hiếm.
Không có nguồn mô, tạng hiến nên hiện 26 cơ sở ghép tạng, ghép mô kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư. Thực trạng hiện nay là nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do không làm được mà do không có tạng để ghép.
Phó Giáo sư Đồng Văn Hệ chỉ ra 10 yếu tố liên quan trực tiếp đến việc hiến mô, tạng; trong đó, 7 yếu tố liên quan đến bệnh viện như, cần có tổ tư vấn chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, văn hóa hiến, kế hoạch, tăng cường nguồn hiến, sự ủng hộ của lãnh đạo, mạng lưới các bệnh viện và 3 yếu tố là hệ thống luật liên quan đến hiến ghép tạng, quản lý thông tin, trung tâm điều phối cần làm tốt để phát triển nguồn tạng hiến ghép từ người cho chết não.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ-bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định Việt Nam hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật ghép tạng nhưng vấn đề quan trọng là phải hình thành được hệ thống ghép tạng chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng, không vi phạm luật pháp, y đức.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 9 trung tâm ghép tạng và chủ yếu ghép thận, ghép gan từ người hiến sống. Việc ghép tạng từ nguồn hiến chết não còn hạn chế. Có những nơi không nhận tạng hiến vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhiều nơi không muốn giữ tạng do tốn kém chi phí.
Tại hội nghị, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã trao quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm Chi hội trưởng.
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Tri Thức cam kết thời gian tới, Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam sẽ đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời của người dân, cứu giúp những bệnh nhân không may mắn kéo dài sự sống./.
Việt Nam tập trung phát triển kỹ thuật ghép tạng chuyên sâu
Công tác ghép tạng ở Việt Nam được triển khai theo chiều hướng ngày càng phát triển và chuyên sâu để bắt kịp ngang hàng với những tiến bộ của thế giới.