2019 là 'năm phức tạp nhất' trong quan hệ giữa Mỹ-Mexico

Theo giáo sư Gustavo Vega, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc trường Cao đẳng Mexico (Colmex), 2019 là "năm phức tạp nhất" trong quan hệ giữa Mỹ-Mexico kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
2019 là 'năm phức tạp nhất' trong quan hệ giữa Mỹ-Mexico ảnh 1Quốc kỳ của Mỹ và Mexico. (Nguồn: AP)

2019 có thể xem là một trong những năm phức tạp nhất trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Mexico khi Washington tiếp tục gia tăng sức ép đối với quốc gia láng giềng về những vấn đề liên quan đến làn sóng người di cư, sự mập mờ trong thỏa thuận thương mại và tình trạng bạo lực băng nhóm tội phạm kéo dài.

Theo giáo sư Gustavo Vega, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc trường Cao đẳng Mexico (Colmex), 2019 là "năm phức tạp nhất" trong quan hệ giữa Mỹ-Mexico kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Ông đánh giá đây là vấn đề thực tế phát sinh do là hai nước láng giềng xét về địa lý, do đó, hai nước cần phải tìm kiếm các cơ chế giải quyết những vấn đề nổi lên.

Việc gia tăng số người di cư từ khu vực Trung Mỹ sang Mỹ qua cửa khẩu Mexico đã làm chệch hướng chương trình nghị sự của hai nước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đe dọa Chính phủ Mexico, trong đó có tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới phía Nam nếu Mexico không có biện pháp ngăn chặn hàng ngìn người di cư tìm cách vượt biên vào Mỹ.

Sau khi các số liệu báo cáo cho thấy số người di cư trái phép tập trung tại cửa khẩu Mỹ-Mexico trong tháng 5/2019 lên tới hơn 76.000 người - mức tăng kỷ lục theo tháng, cũng như việc Washington đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico đã khiến Tổng thống Manuel Obrador đưa ra cam kết triển khai các biện pháp để ngăn chặn làn sóng người di cư.

[Mexico phản đối Mỹ cử thanh tra lao động trong khuôn khổ USMCA]

Theo một thỏa thuận hồi tháng 6, Mexico đã triển khai hàng nghìn binh sỹ nhằm thực thi luật di cư trên cả nước và số người di cư trái phép bị Mỹ bắt giữ giảm từ 144.000 người còn 42.700 người trong tháng 11 vừa qua.

Giáo sư Vega cho rằng an ninh là một vấn đề lớn trong quan hệ song phương do tình trạng bạo lực mà các băng nhóm tội phạm ma túy gây ra.

Cuối tháng 11/2019, Tổng thống Trump từng tuyên bố ông sẽ liệt các băng nhóm tội phạm ma túy ở Mexico vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài, theo đó Washington có thể trục xuất mọi đối tượng là thành viên của các băng nhóm tội phạm và thân nhân của các đối tượng này cũng như đóng băng các tài khoản ngân hàng của họ.

Chính phủ của Tổng thống Obrador đã lên tiếng phản đối ý định trên của Mỹ, cho rằng việc làm này tương tự hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ của Mexico, đồng thời cho rằng điều cần làm hơn cả là ngăn chặn nạn buôn bán lậu vũ khí từ Mỹ vào Mexico, coi đây là căn nguyên của tình trạng bạo lực.

Cùng chung quan điểm với giáo sư Vega, giáo sư Guadalupe Gonzalez thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế của Colmex cho rằng 2019 là "năm phức tạp bất thường" trong quan hệ hai nước và việc  Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), bị "treo" tại Quốc hội Mỹ, cũng đã làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng này.

Theo bà Gonzales, việc USMCA chưa được phê chuẩn tại Thượng viện Mỹ là nguyên nhân gây ra những điều khó đoán định đối với nền kinh tế Mexico. Trong bối cảnh cả hai nước đều thể hiện thiện chí sẵn sàng đàm phán giải quyết những vấn đề nêu trên, bà Gonzales cho rằng Mexico sẽ phải hy vọng các cuộc đối thoại giữa hai nước sẽ phần nào xoa dịu căng thẳng có khả năng phát sinh trong năm 2020.

Tuy nhiên, giáo sư Gonzales nhận định rằng quan hệ giữa hai nước trong năm 2020 thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2019 do Tổng thống Trump có thể nhắm mục tiêu tấn công vào Mexico trong cuộc bầu cử năm tới cũng như trong quá trình xét xử luận tội mà nhà lãnh đạo này đang phải đối mặt tại Thượng viện với cáo buộc lạm quyền và cản trở quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.