Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 28/10 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.743.934 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.987.120 ca tử vong. Tổng số ca bình phục là 222.726.381 ca. Trong số 18.030.433 ca đang phải điều trị, có 75.419 ca trong tình trạng nguy kịch.
Trong 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, Mỹ ghi nhận tổng cộng 46,5 triệu ca nhiễm, Ấn Độ ghi nhận hơn 34,2 triệu ca và Brazil ghi nhận hơn 21,7 triệu ca. Về số ca tử vong, Mỹ ghi nhận tổng cộng 761.716 ca tử vong, Brazil 606.726 ca và Ấn Độ 456.418 ca.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhất với hơn 78,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu với hơn 63,6 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận hơn 55,9 triệu ca và Nam Mỹ hơn 38,3 triệu ca.
Châu Phi ghi nhận hơn 8,5 triệu ca; châu Đại Dương 301.764 ca. Về số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất thế giới, với 1.290.207 ca, tiếp theo là Nam Mỹ với 1.168.877 ca, châu Á 1.164.722 ca, Bắc Mỹ 1.141.543 ca.
Tại châu Âu, Đức cho biết nước này có thể bãi bỏ tất cả các quy định hạn chế được áp đặt để phòng chống dịch vào tháng 3/2022. Trong tuyên bố chung đưa ra sau ngày họp đầu tiên trong tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới, trong đó ưu tiên thảo luận vấn đề dịch bệnh, lãnh đạo 3 đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) đã bác bỏ việc tái áp đặt các biện pháp cách ly phong tỏa trong mùa Thu và mùa Đông tới, đồng thời cho biết họ cũng không có kế hoạch buộc người dân quay trở lại chế độ làm việc tại nhà.
Chính phủ tương lai sẽ ban hành luật để cho phép chính quyền các bang tự áp dụng các quy định chống dịch cho đến mùa Xuân năm sau. Hiện 3 chính đảng đã đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa Đông này.
Theo đó, ngoài quy định 2G hoặc 3G (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2), chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng.
Tại châu Á, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết Hong Kong sẽ sớm chấm dứt hầu hết các miễn trừ cách ly đối với du khách nước ngoài và Trung Quốc đại lục, trong nỗ lực đưa những quy định phòng chống dịch phù hợp hơn với các chính sách của Trung Quốc nhằm khôi phục việc đi lại xuyên biên giới giữa vùng lãnh thổ này và đại lục.
[Các nước Đông Âu có số ca mắc, tử vong vì COVID-19 tăng vọt]
Theo các quy định mới, Hong Kong sẽ chấm dứt việc miễn trừ cách ly đối với gần như tất cả các đối tượng, ngoại trừ nhân viên cấp cứu và những người làm việc trong các ngành công nghiệp thiết yếu.
Động thái này sẽ loại bỏ các thỏa thuận đặc biệt được áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng bao gồm các nhà ngoại giao, các lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học về COVID-19, các thành viên phi hành đoàn trên máy bay, tàu chở khách và tàu chở hàng cũng như một số người Đại lục có thẻ cư trú Hong Kong.
Giới doanh nghiệp tại Hong Kong lo ngại động thái này có thể gây tổn hại vị thế trung tâm tài chính của thành phố, với một trong những chế độ kiểm dịch bắt buộc nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Hầu hết du khách đến Hong Kong đều phải trải qua 14 đến 21 ngày cách ly bắt buộc tại khách sạn được chỉ định.
Trong khi đó, Israel có kế hoạch mở cửa trở lại từ tháng 11 tới với các du khách đã tiêm vaccine. Kế hoạch trên được đưa ra sau khi nước này đã xúc tiến chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường.
Theo quy định mới, du khách đến từ bất cứ quốc gia nào đều có thể nhập cảnh Israel nếu có chứng nhận tiêm phòng đầy đủ trong vòng 6 tháng trước khi đến. Du khách cũng phải có xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và thêm một xét nghiệm khi đến Israel./.