30 năm thu hút FDI: "Sức bật" dòng vốn ngoại với công nghiệp Vĩnh Phúc

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua, đến nay đã 30 năm và trong suốt thời gian ấy nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với Vĩnh Phúc để tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất.
(Ảnh minh họa: Trọng Lịch/TTXVN)

Đến với tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay, mọi người được tận mắt chứng kiến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... đua nhau mọc lên nằm xen kẽ các trục đường nhựa.

Hình ảnh mỗi sáng sớm các xe tải lớn, nhỏ nối tiếp nhau đến khu công nghiệp lấy sản phẩm ôtô, xe máy, linh kiện và phụ kiện, sản phẩm điện tử, các mặt hàng thép, gạch ốp lát, hàng dệt may... để mang về đi nơi khác tiêu thụ khiến cho sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc luôn nhộn nhịp.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua đến nay đã 30 năm và trong suốt thời gian ấy nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với Vĩnh Phúc để tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất-kinh doanh.

Dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Vĩnh Phúc bắt đầu tăng dần, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển, đặc biệt là tạo "sức bật" cho công nghiệp Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi các doanh nghiệp nước ngoài chưa có mặt hoặc đầu tư còn ít thì bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh chưa nổi bật. Vĩnh Phúc vài chục năm trước còn là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Trước thực trạng công nghiệp non trẻ, đất đai canh tác nhỏ hẹp, người dân chủ yếu bám đồng ruộng để mưu sinh, lao động trẻ phải phiêu bạt nhiều nơi để kiếm sống, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo; từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Tại các kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996-2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ...

Tỉnh đã triển khai hiệu quả hàng loạt các chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, nhanh chóng tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân trong và ngoài nước.

Nhờ chính sách thông thoáng, chủ động tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn và uy tín tìm đến như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo...

Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD.

Đến hết tháng 8/2018, tỉnh Vĩnh Phúc có 305 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD.

Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách trung ương. Năm 2009, thu ngân sách vượt mốc 10 ngàn tỷ đồng; năm 2014 đạt “mốc son” mới - vượt 20 ngàn tỷ đồng.

Năm 2016, Vĩnh Phúc thu ngân sách đạt kỷ lục hơn 31 ngàn tỷ đồng. Năm 2017, do xe ôtô nhập khẩu trong nước tăng nhưng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp tiêu thụ ở Vĩnh Phúc giảm tỉnh vẫn thu ngân sách đạt trên 25 ngàn tỷ đồng. Phần lớn khoản thu ngân sách các năm đều từ doanh nghiệp FDI.

Theo báo cáo của Ban Quản các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho 82.000 lao động; lao động phổ thông của doanh nghiệp FDI có thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Một số khu công nghiệp thu hút nhiều lao động như Khai Quang với khoảng 40.000 lao động; Bá Thiện 1 và Bá Thiện 2 với 20.000 lao động; Bình Xuyên 1 trên 10.000 lao động…

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Phúc Đỗ Đình Việt cho hay, sở dĩ thu hút dòng vốn FDI thuận lợi và thành công là do tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc"; "Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh.”

Cùng với việc giải phóng mặt bằng nhanh, ưu đãi giá thuê đất, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu công nghiệp... thì từ năm 2014 tỉnh đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm theo đúng quy định của Chính phủ.

Do đó, xúc tiến đầu tư được triển khai thống nhất. Tỉnh còn xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn để làm căn cứ triển khai thực hiện.

[30 năm thu hút FDI: Nhìn lại quyết định mang tính lịch sử]

Ông Satoru Wachi, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chia sẻ, từ nhiều năm trước, doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản đã tìm hiểu về môi trường đầu tư ở khoảng 30 địa điểm khác nhau ở cả 3 miền của Việt Nam. Mỗi địa phương đều có những đặc thù lợi thế cũng như bất lợi.

Nhưng sau đó, công ty đã lựa chọn Vĩnh Phúc để thực hiện đầu tư khu công nghiệp vì thấy địa phương này có nhiều lợi thế để phát triển các khu công nghiệp vì giá thuê đất thấp, chi phí đầu tư hạ tầng hợp lý; nhân công dồi dào, giá rẻ; quan hệ giữa nhà đầu tư và địa phương rất tốt.

Tổng quản lý các Khu công nghiệp Hải ngoại của Tập đoàn Sumitomo - ông Akito Shiraishi khẳng định, Vĩnh Phúc có môi trường đầu tư tốt, Tập đoàn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai dự án theo đúng cam kết; đồng thời, có các hoạt động cụ thể để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao vào hoạt động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc phát triển.

Có thể nói, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua, bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Vĩnh Phúc với nhiều gam màu sáng. Vĩnh Phúc đã nổi lên trở thành điểm đến có sức hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của toàn tỉnh.

Bên cạnh hàng loạt thành công cũng những chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI vào Vĩnh Phúc trong 30 năm qua thì vẫn chứa đựng không ít bất cập.

Đó là việc chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn mờ nhạt ngay cả ở những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ và phụ trợ vốn là mặt hàng đa dạng, phong phú, giản đơn.

Hầu hết các doanh nghiệp tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, không qua đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, do đó vấn đề hạn chế năng lực nghề, vấn đề “mù luật” lao động, thiếu tác phong công nghiệp với lao động phổ thông diễn ra khá phổ biến. Không ít lao động có nguy cơ bị sa thải khi ở tuổi trên dưới 40…

Vấn nạn rác thải công nghiệp, nước thải, khí thải ở không ít doanh nghiệp vốn đầu tư còn gây ảnh hưởng đến môi trường, tới cuộc sống người dân.

Đây là những vấn đề đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có giải pháp, những chính sách mới, bổ sung để bức tranh phát triển công nghiệp cả nước, cũng như Vĩnh Phúc chuyển biến tích cực hơn nữa…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục