30 năm thu hút FDI: Tín hiệu vui và những nỗi lo từ Quảng Ngãi

Sau 30 năm, những sản phẩm từ Quảng Ngãi đã dần có mặt ở nhiều nước trên thế giới và tỉnh trở thành địa phương được nhiều doanh nghiệp trên thế giới tìm đến đầu tư.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc được trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, tỉnh Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác trong cả nước vẫn "dò dẫm" từng bước đi, tự phát huy nội lực, tiềm năng của chính mình.

Quảng Ngãi đã không ngừng quảng bá những thế mạnh của mình về tài nguyên thiên nhiên, về những chính sách ưu đãi của mình để thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ đó, sau 30 năm, những sản phẩm từ Quảng Ngãi đã dần có mặt ở nhiều nước trên thế giới và tỉnh trở thành địa phương được nhiều doanh nghiệp trên thế giới tìm đến đầu tư. Tuy nhiên, nhìn về bức tranh tổng thể, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Những tín hiệu vui

Sau 8 năm khi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên được ban hành (năm 1987), đến năm 1995, tỉnh Quảng Ngãi mới có 1 dự án khai thác và sản xuất đá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư khoảng 0,42 triệu USD.

Vào thời điểm này, do chưa chú trọng đến việc thu hút, xây dựng các chính sách ưu đãi nên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ít để ý đến Quảng Ngãi.

Đến năm 2006, tình hình thu hút vốn đầu tư FDI tại Quảng Ngãi mới khởi sắc; đánh dấu với dự án thép Guang Lian Steel (Đài Loan, Trung Quốc) có tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 3 tỷ USD và Dự án Khu công nghiệp nặng Doosan Vina với tổng vốn đầu tư 315 triệu USD. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc các nhà đầu tư có nguồn vốn nước ngoài đến với Quảng Ngãi.

Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi, tính từ năm 2006 đến nay, hằng năm tỉnh Quảng Ngãi đều thu hút được dự án FDI, có những năm, số lượng dự án thu hút lên tới 9 dự án. Nhờ đó, đến nay Quảng Ngãi đã có 58 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 4.531 triệu USD.

Cụ thể, Khu Kinh tế Dung Quất gồm 42 dự án, tổng vốn đăng ký trên 4.369 triệu USD. Các Khu công nghiệp tỉnh có 9 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 75,657 triệu USD. Ngoài Khu kinh tế, khu công nghiệp là 7 dự án với tổng vốn đăng ký 86,493 triệu USD. Các dự án trên chủ yếu đến từ các nước như Hàn Quốc với 16 dự án, Trung Quốc có 8 dự án, Nhật Bản có 7 dự án, Singapore có 7 dự án…

[Infographics] Doanh nghiệp FDI thu hút nhiều lao động nhất

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, thu hút lao động trong khu vực FDI tính đến hiện nay khoảng 12.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các dự án như: Nhà máy Doosan Vina, Nhà máy sản xuất giày Rieker, Nhà máy sản xuất sợi Xingdadong...

Ông Trần Hoàng Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, đối với các dự án FDI, giai đoạn 2005-2010, tỉnh Quảng Ngãi thu hút 17 dự án, giai đoạn 2011-2016 thu hút 34 dự án.

Tổng vốn FDI thu hút giai đoạn 2005-2010 là 3.697 triệu USD, giai đoạn 2011-2016 là 599 triệu USD, qua đó thấy được tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều.

Đánh giá về quy mô, ông Trần Hoàng Vĩnh cho rằng dự án có quy mô lớn nhất là Dự án Công nghiệp nặng Doosan với vốn đầu tư 315 triệu USD và dự án Khu công nghiệp, đầu tư và dịch vụ VIP với vốn đầu tư 139,8 triệu USD. Đây cũng là hai dự án hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam với hàng nghìn tấn sản phẩm được xuất đi khắp các nơi trên thế giới. Những cẩu trục khổng lồ, những thiết bị khử mặn... mang thương hiệu "made in Viet Nam" được Doosan Vina liên tục xuất đi khắp các châu lục.

Mới đây, Doosan Vina còn “lôi kéo” được 6 doanh nghiệp của Hàn Quốc về đầu tư tại Khu công nghiệp Dung Quất (ngay bên cạnh Doosan) để sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ; góp phần đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài Doosan Vina, Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đầu tư dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi từ tháng 4/2012 và chính thức khởi công vào tháng 9/2013. Đây là dự án VSIP đầu tiên tại miền Trung.

Dự án Khu công nghiệp VSIP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và đặc biệt tạo nhiều cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động Quảng Ngãi. Khu công nghiệp VSIP này cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về đây hợp tác làm ăn.

Còn đó những nỗi lo

Hiện đa số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là từ các nước châu Á, khu vực ASEAN mà nhiều nhất là Hàn Quốc nên mức độ hiện đại, tiên tiến về công nghệ trong các dự án này cũng có thể chưa phải ở đỉnh cao hiện nay trên thế giới. Ngoài ra, chưa có nhiều dự án từ các nước công nghiệp phát triển với thế mạnh là công nghệ nguồn.

Nếu nhìn bức tranh tổng thể, với nhiều tiềm năng và lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ngãi còn chưa thật sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay Quảng Ngãi đã thu hồi 14 dự án với tổng vốn đăng ký gần 3.162 triệu USD. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, chậm thực hiện hoặc chủ động đề nghị xin rút lui, không đầu tư.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn 44 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 1.370 triệu USD; trong đó, Khu kinh tế Dung Quất có 33 dự án với tổng vốn đăng ký 122,93 triệu USD; các khu công nghiệp tỉnh gồm 7 dự án với vốn đăng ký 66,08 triệu USD; ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp còn 4 dự án với số vốn đăng ký đạt 82,39 triệu USD.

Nghi thức khởi công của 6 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Tình hình triển khai các dự án FDI trên địa bàn khá chậm, số dự án hoàn thành đi vào hoạt động là 24 dự án, chiếm 54,5%/tổng số dự án và chiếm 52%/tổng vốn đăng ký đầu tư; số dự án đang triển khai là 18 dự án, chiếm 41%/tổng số dự án và chiếm 47%/tổng vốn đăng ký đầu tư.

Tuy vậy, với sự cải cách mạnh mẽ trong quản lý đầu tư từ Trung ương đến địa phương thì trong thời gian qua tỉnh đã rà soát, đánh giá, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, không khả thi, đồng thời hỗ trợ cho một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai nhanh dự án, từ đó vốn thực hiện cũng khả quan hơn.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng Quảng Ngãi xác định rõ thu hút đầu tư nước ngoài vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức, đồng thời vừa đấu tranh, vừa hợp tác... từ đó mới phát huy nội lực và nâng cao khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cần xây dựng mối quan hệ hợp tác, hai bên cùng có lợi, đảm bảo thu hút được nhiều FDI mà vẫn giữ được độc lập tự chủ về mọi mặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nhận diện thật thấu đáo đối tác và đối tượng trong từng dự án FDI.

[Địa phương nào dẫn đầu về hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao?]

Theo ông Nguyễn Đức Thạnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung xúc tiến thu hút các dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn và có nhu cầu gắn với cảng biển nước sâu; công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ; các dự án ít gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời tỉnh xác định, thông qua các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Quảng Ngãi như Tập đoàn Doosan, Tập đoàn Sembcorp Công ty VSIP, Tập đoàn J-Power, tổ chức Jetro Nhật Bản, Tập đoàn Kicox Hàn Quốc, Công ty Kizuna, tập đoàn Sumida... để tìm kiếm các đối tác tiềm năng tại các Quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và mở rộng sang các nước EU, Hoa Kỳ.

Theo ông Thạnh, Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi với nhiều chính sách ưu đãi, cùng với những nỗ lực cải cách hành chính đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các cơ quan công quyền, hi vọng sắp tới Quảng Ngãi sẽ là điểm dừng chân của các nhà đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục