45 năm nghiên cứu và phát triển khảo cổ ở Việt Nam

Những đóng góp có giá trị cao của Viện Khảo cổ học vào việc nghiên cứu lịch sử, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo tồn di sản dân tộc.
Hiện trạng khu A, tổ hợp công trình kiến trúc nhà Lý ở thế kỷ XI -XII. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 29/11, tại lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Tống Trung Tín nhấn mạnh những đóng góp có giá trị cao của Viện vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc đã góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nhân dịp này, Viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Nổi bật là những nghiên cứu như tìm ra những trang sử xa xưa nhất của Tổ quốc “thời kỳ tổ tiên của tổ tiên Việt Nam.” Các cán bộ của Viện nghiên cứu chứng minh thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, góp phần quyết định đưa thời kỳ này vào Chính sử Việt Nam, ngày càng nhận diện rõ hơn thời kỳ sơ sử , nhà nước sơ khai ở Việt Nam..

Cùng với các nhà khảo cổ học của cả nước, Viện góp phần làm rõ hệ thống phát triển liên tục của văn hóa thời sơ sử và nhà nước sớm ở 3 miền với 3 trung tâm, 3 hệ thống văn hóa phát triển tại chỗ, liên tục, bước đầu phác lên một bức tranh toàn cảnh hết sức sống động của thời kỳ dựng nước, giữ nước đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Theo Viện trưởng Tống Trung Tín, Viện nhận thức vai trò to lớn của khảo cổ học trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc gắn với việc góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Bởi vậy, Viện liên tiếp điều tra, nghiên cứu khảo cổ học ở Trường Sa-Tây Nguyên-Nam Bộ..

Ở quần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ học phát hiện dấu tích của người Việt liên tục có mặt từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIX- XX. Đó là kết quả lớn giúp chứng minh rõ chủ quyền của Việt Nam từ rất sớm tại quần đảo Trường Sa…..

Những phát hiện khảo cổ học tại Nam Bộ đã có kết luận tuy còn mang tính giả thuyết, nhưng là những giả thuyết có cơ sở khoa học, bước đầu đáng tin cậy, là các chứng lý khoa học lịch sử vững chắc khẳng định chủ quyền dân tộc ở khu vực Nam Bộ. Các chương trình nghiên cứu này đã và đang tiếp tục nghiên cứu lâu dài.

Viện Khảo cổ học đã góp phần bảo tồn di sản dân tộc trên các phương diện phát hiện, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích; đề xuất, kiến nghị các cấp độ bảo tồn di tích, xử lý bảo tồn cấp thiết tại chỗ ngay khi di tích được xuất lộ, hoặc di dời. Viện đã xây dựng trên 670 bộ sồ sơ khoa học, cung cấp các dữ liệu di tích để các nhà bảo tồn học xử lý bảo tồn, xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ tôn tạo, bảo tồn và trùng tu; trong đó, Di sản Trung tâm hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ đã trở thành Di sản Thế giới.

Viện trưởng Tống Trung Tín chia sẻ những khó khăn, thách thức như các di tích khảo cổ học đã và đang bị đe dọa biến mất ngày càng nhiều. Viện chưa có được cơ sở vật chất đủ mạnh mang tầm khu vực, thậm chí đang tụt hậu rất xa về mặt trang thiết bị, không gian làm việc….

Giai đoạn đến năm 2020, Viện Khảo cổ học chủ trương những hướng đột phá chiến lược về khoa học và nghiên cứu; sẽ hướng tới việc hình thành, lựa chọn và biên soạn, xuất bản một số công trình trọng điểm trong những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam để xuất bản, phục vụ cho việc nghiên cứu nói chung. .

Một hướng cần phát huy là phối hợp với các địa phương để tổ chức nghiên cứu cơ bản. Viện đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển bộ phận khảo cổ học dưới nước phục vụ chiến lược nghiên cứu, khai thác tài nguyên văn hóa biển của Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục