Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Tập đoàn đã nhận được 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp; trong đó, có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.
Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên, hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Mới đây, 23 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió gồm: Công ty Cổ phần Năng lượng VPL; Công ty Cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang; Công ty Cổ phần Phong điện Chơ Long; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện gió Sunpro Bến Tre số 8; Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3,4... đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư.
[Các chủ đầu tư điện tái tạo tiếp tục kiến nghị về đàm phán giá điện]
Các doanh nghiệp cho biết đến nay đã nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC).
Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.
Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán dự kiến có thể kéo dài, đồng thời sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, các nhà đầu tư này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện.
Các nhà đầu tư đề xuất, trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án:
Thứ nhất, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố.
Thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).
Thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21, thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư (đề xuất này được đưa ra dựa trên căn cứ theo cơ sở kỹ thuật, ví dụ đối với các nhà máy điện gió trên đất liền hoặc nhà máy điện gió trên biển, theo quy chuẩn kỹ thuật vận hành tuabin và nhà máy điện gió, thời gian vận hành tiêu chuẩn tối thiểu là 25 năm).
Các nhà đầu tư kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ Công Thương, EVN, các bộ, ngành liên quan và đại diện các nhà đầu tư để thống nhất giải pháp huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành và giá mua điện trong thời gian huy động tạm thời.
Các nhà đầu tư khẳng định các đề xuất nêu trên đều dựa trên cơ sở dữ liệu chi phí đầu tư thực tế, tình hình đầu tư của các dự án và khả năng chịu đựng về tài chính của các nhà đầu tư; đồng thời sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để cung cấp các hồ sơ theo quy định cho việc đàm phán giá mua bán điện.../.