5 lý do khiến Mỹ không thể tiến hành tấn công phủ đầu Triều Tiên

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không giống như Syria để chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
5 lý do khiến Mỹ không thể tiến hành tấn công phủ đầu Triều Tiên ảnh 1Binh sỹ quân đội Triều Tiên tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng ngày 15/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo SCMP, cuộc tấn công Syria bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Washington tăng cường ý muốn gây hấn bằng quân sự đã dẫn tới nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể là mục tiêu tiếp theo của một hành động đơn phương như vậy.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không giống như Syria do hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

[​Cảnh báo về hậu quả của hành động tấn công phủ đầu Triều Tiên]

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, Bán đảo Triều Tiễn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Giao tranh tạm dừng vào ngày 27/7/1953 theo Hiệp định đình chiến được ký kết giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu Mỹ phát động cuộc tấn công sẽ phá vỡ hiệp định được Liên hợp quốc ủng hộ này.

Thứ hai, có những khác biệt quan trọng giữa Triều Tiên và Syria. Trong khi Syria được cho là theo đuổi vũ khí hạt nhân, các khả năng về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thiện trong mấy năm gần đây. Thậm chí, giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng còn có khả năng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân có thể tấn công Mỹ trong vòng bốn năm tới, trong thời gian nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Thứ ba, Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên. Năm 1961, hai quốc gia này đã ký kết Hiệp ước về viện trợ và hợp tác, theo đó hai bên có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự và các vấn đề khác cho nhau ngay lập tức trong trường hợp bị bên ngoài tấn công. Hiệp ước này có hiệu lực tới năm 2021.

Thứ tư, Trung Quốc quan ngại rằng các tỉnh biên giới của nước này sẽ tràn ngập người tị nạn Triều Tiên nếu chính quyền Kim Jong-un sụp đổ. Xét theo quan điểm địa chính trị, Bắc Kinh coi Triều Tiên là vùng đệm tách khỏi sự tấn công tiềm ẩn của các cường quốc liên minh với Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ năm, ngoài Trung Quốc - quốc gia phản đối tấn công quân sự chống Bình Nhưỡng - cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nghiêng về lựa chọn phi quân sự. Sam Gardiner - Đại tá không quân về hưu - được tạp chí The Atlantic dẫn lời cho rằng Mỹ "không thể bảo vệ được Seoul, ít nhất trong 24 giờ đầu tiên của cuộc chiến tranh, và có thể là trong 48 giờ đầu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.