Ngày 15/12, tại Nhà thiếu nhi tỉnh An Giang, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long (1969-2019).
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Liên đoàn Vovinam Việt Nam, hội đồng võ sư chưởng quản môn phái Vovinam Việt võ đạo cùng gần 500 võ sư, võ sinh đến từ các liên đoàn, hội Vovinam của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại lễ kỷ niệm, các võ sư, môn sinh đã ôn lại chặng đường hình thành, phát triển của môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sự kiện võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện môn võ Vovinam tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh (với 40 võ sinh) vào tháng 9/1969. Võ sư Nguyễn Văn Nhàn được biết đến là người đặt cơ sở đầu tiên cho môn phái Vovinam trên mảnh đất miền Tây Nam Bộ, ngay tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Trải qua 50 năm hình thành, Vovinam-Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển mạnh mẽ với hàng trăm võ sư, huấn luận viên, cùng hàng chục ngàn môn sinh theo tập luyện.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết Vovinam-Việt Võ Đạo ra đời trong thời kỳ cả nước đang sôi sục tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1938, sau thời gian tìm tòi học hỏi và nghiên cứu nhiều môn võ, dựa trên võ vật dân tộc cùng tinh hoa của những môn võ trên thế giới, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo ra một hệ thống kỹ thuật võ học mới, được gọi là Vovinam, nghĩa là võ Việt Nam.
Tại An Giang, với sự hỗ trợ của bác sỹ Đào Tuấn Kiệt, phong trào Vovinam An Giang khởi đầu bằng lớp tập tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh (với 40 võ sinh) vào tháng 9/1969 do võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện.
Khoảng tháng 10/1969, một đoàn võ sư, huấn luận viên của Tổng cục Huấn luyện tại Sài Gòn đã về An Giang biểu diễn nhân lễ Khai phá Vovinam miền Tây.
Từ An Giang, phong trào dần dần lan rộng sang các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Châu Đốc, Phong Định (Cần Thơ), An Xuyên (Cà Mau), Ba Xuyên (Bạc Liêu)...
"Lễ kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long là dịp để ghi nhớ công lao của nhiều thế hệ quý võ sư đã có nhiều cống hiến xây dựng và phát triển môn Vovinam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; là dịp để liên kết, tạo mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong công tác huấn luyện, thi đấu để phát triển bộ môn Vovinam ngày càng hiệu quả và nâng cao thành tích của các vấn động viên ở khu Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của quốc gia," ông Hiệp nhấn mạnh.
[Hơn 80 võ sinh từ các nước tới Ai Cập thi đấu Việt Võ Đạo]
Trong dòng chảy của phong trào Vovinam với nhiều khó khăn thử thách, môn võ Việt này từng bước khẳng định mình để trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập vào 10/2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cột mốc quan trọng để môn Vovinam sự phát triển mạnh mẽ cả ở trong nước và thế giới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) Mai Hữu Tín cho biết sau 81 năm hình thành và phát triển, đến nay, Vovinam-Việt Võ Đạo đã có gần 2,5 triệu môn sinh của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập luyện.
Các liên đoàn được thành lập: Liên đoàn Vovinam thế giới, Liên đoàn Vovinam châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Liên đoàn Vovinam các nước Arab...
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa Vovinam vào dạy trong trường học khi 2 lần được tổ chức thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (năm 2012, năm 2016), 2 lần liên tiếp tổ chức giải vô địch Vovinam học sinh toàn quốc (năm 2017, 2018).
Hơn 40 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam có phong trào Vovinam. Môn võ này cũng được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc năm 2015, giải vô địch Vovinam sinh viên toàn quốc.
Về phương diện quốc tế, Vovinam 2 lần liên tiếp được đưa vào tổ chức thi đấu tại SEA Games (SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011, SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013), 5 lần tổ chức giải vô địch Đông Nam Á, 5 lần tổ chức giải vô địch châu Á, châu Âu, châu Phi và 5 lần tổ chức giải vô địch thế giới.
Ngoài ra, Vovinam còn góp mặt tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, cùng với phở, áo dài..., Vovinam đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của đất nước Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra khắp thế giới.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao kỷ niệm chương, vinh danh, khen thưởng cho các võ sư, môn sinh có nhiều đóng góp cho sự phát triển môn võ Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long./.