55 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành bất hủ, không chỉ phản ánh ý chí, khát vọng của toàn dân tộc mà còn trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tại Hà Nội, ngày 17/7/1966. Người khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Cách đây 55 năm, ngày 17/7/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra hết sức quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Không có gì quý hơn độc lập, tự do,” kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước anh dũng tiến lên chống Mỹ, cứu nước.

Từ đó, câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành bất hủ, không chỉ phản ánh ý chí, khát vọng của toàn dân tộc mà còn trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Việt Nam trong suốt hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là quyền dân tộc, quyền con người, là xuất phát điểm đối với mọi dân tộc trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Dân tộc không thể phát triển, đất nước không thể phồn vinh, nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc sống hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Do đó, giành lấy và bảo vệ độc lập, tự do là yêu cầu sống còn của các dân tộc. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy.

Không phải đến khi viết lời kêu gọi ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khẳng định giá trị của độc lập tự do. Ngay từ khi còn niên thiếu, động lực thúc đẩy Người quyết chí ra tìm đường cứu nước chính là để tìm lại độc lập tự do cho dân tộc.

Sau này, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo cũng xác định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.” (1)

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.” (2)

[Con đường cứu nước và giá trị đối với tiến trình cách mạng Việt Nam]

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững ngọn cờ độc lập, tự do, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân nêu cao ý chí, quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” (3)

Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đồng thời sử dụng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền bắc, lường trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lan rộng và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”

Ngày 17/7/1966, lời kêu gọi của Người được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên báo Nhân Dân số 4484 ngày 17/7/1966. Trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta cả ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Quân và dân miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng đã thắng lợi vẻ vang, thực hiện mục tiêu quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.

Thông qua lời kêu gọi đã thể hiện dân tộc Việt Nam hết sức bình tĩnh trước khó khăn, thách thức, tin tưởng vào sức mình, vào sự đoàn kết của toàn dân tộc. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!.”(4)

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý nổi tiếng làm cho lời kêu gọi ngày 17/7/1966 có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai. Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Và “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.” (5)

Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Nó gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người-sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời để thực hiện. 

Chân lý bất hủ

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội hàm rộng lớn, giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Nó không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân. Bởi “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.” (6)

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên kháng chiến với quyết tâm: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN)

Và nó không chỉ đúng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn có giá trị sâu sắc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, quyết tâm giành lại độc lập tự do đã trở thành mục tiêu to lớn giúp Đảng ta thức tỉnh, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, tạo nên sức mạnh to lớn đánh Pháp, đuổi Nhật, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp.

Với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", dân tộc ta đã "đánh cho Mỹ cút." Thừa thắng, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 55 ngày đêm tiến công, ta đã "đánh cho ngụy nhào."

Từ đây đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!," chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng "đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ: "chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi." Đi theo chỉ dẫn đó, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Không chỉ được thể hiện ở việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, độc lập tự do còn thể hiện rõ nét thông qua việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.” (7) Nền dân chủ và việc bảo đảm phát huy dân chủ không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968, mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền bắc, buộc phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân;

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2);

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3);

“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6)...

Quyền dân chủ của nhân dân còn được ghi nhận tại Chương II Hiến pháp năm 2013 (quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) cũng như trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế...

Về phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Kinh tế tăng trưởng khá đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD (gấp 15 lần năm 1990). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 3%. Điều kiện và chất lượng giáo dục ngày càng tăng, trình độ y tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, từ “ăn no, mặc ấm” dần chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” kết hợp vui chơi, giải trí.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Có thể khẳng định hơn nửa thế kỷ, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội hàm rộng lớn vẫn luôn là chân lý bất hủ, có giá trị sâu sắc cho đến mãi về sau./.

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 1.
(2): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, trang 113.
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, trang 534.
(4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, trang 131.
(6): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, trang 64
(7): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 84-85.

Trên đường đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã khái quát chân lý bất di, bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong ảnh: Tháng 12/1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Người ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng cũng như trong Lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc ''để đi tới xã hội cộng sản''. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới rằng: ''Nước Việt Nam có quyền hưởng tự và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy''. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. Phong trào Nam tiến là hình ảnh của cả nước ra quân, phản ánh ý chí ''nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'', ''Nước còn giặc còn đi đánh giặc'' và ''Đâu có giặc là ta cứ đi''. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cuối tháng 7/1945, trong lần ốm nặng nằm tại lán Nà Lừa, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: ''Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập''. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc. Và tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng cách mạng đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny - đại diện 2 Chính phủ ký ''Hiệp định Sơ bộ'', tạm hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng ra khỏi đất nước, tránh đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù nguy hiểm, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát)
Ngày 14/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước, tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cổ lực lượng, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên kháng chiến với quyết tâm ''Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'', ''thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ''. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN)
Với ý chí ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'', trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta đã có biết bao tấm gương anh hùng, dũng sỹ sáng ngời, những ''người tốt, việc tốt'', những cái hay, cái đẹp nảy sinh trong sản xuất, chiến đấu và công tác. Trong ảnh: Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường, ngày 15/10/1964 đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, được nhân dân thế giới biết đến. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Chị Võ Thị Thắng, người sinh viên tiêu biểu, nữ chiến sỹ biệt động thành tự tin với nụ cười kiêu hãnh tại Tòa án quân sự của chính quyền Sài Gòn, ngày 2/8/1968. Sau khi nghe chúng kết án, chị Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: ''Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?'' (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Vượt qua mưa bom, bão đạn, với ý chí ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'' theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc ngày đêm ''xẻ dọc Trường Sơn'' vào tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: ''Không có gì quý hơn độc lập tự do''. Hà Nội, ngày 17/7/1966. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác Hồ là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, giá trị to lớn trong học thuyết Hồ Chí Minh và cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Trong ảnh: Bác Hồ đến thăm các chiến sỹ của lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội, ngày 25/9/1966. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Với ý chí ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'', dân tộc ta đã ''đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào'', làm nên những trang sử vẻ vang chói lọi. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phi công Mỹ bị bắt sống trong đợt ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1967). (Ảnh: TTXVN)
Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968, mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền bắc, buộc phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lực lượng pháo cao xạ bảo vệ nổ súng kịp thời, chính xác, góp phần cùng quân dân Thủ đô bắn rơi 3 máy bay Mỹ trong ngày 14/12/1967. (Ảnh: Hữu Thứ/TTXVN)
NMặc cho bom đạn và chất độc hóa học Mỹ, các đoàn xe của bộ đội vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi việc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh giặc. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)
Với ý chí ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'' theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc xung phong vào tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Với ý chí ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'' theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc xung phong vào tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Trong ảnh: Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước tổ chức ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, ngày 11/7/1969. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên 1972 tạo ra cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp địch Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận ''Điện Biên Phủ trên không'' góp phần quyết định ''đánh cho Mỹ cút'' sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề ''đánh cho ngụy nhào'' vào mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên 1972 tạo ra cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp địch Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong ảnh: Pháo binh Quân giải phóng trút bão lửa xuống căn cứ Dốc Miếu (năm 1972). (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)
Quân giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh (Quảng Trị). (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận ''Điện Biên Phủ trên không'' góp phần quyết định ''đánh cho Mỹ cút'' sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề ''đánh cho ngụy nhào'' vào mùa Xuân năm 1975. Trong ảnh: Xác máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi rên đường phố Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận ''Điện Biên Phủ trên không'' góp phần quyết định ''đánh cho Mỹ cút'' sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề ''đánh cho ngụy nhào'' vào mùa Xuân năm 1975. Trong ảnh: Lực lượng pháo phòng không nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay giặc Mỹ, bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Thi hành hiệp định Paris, ngày 29/3/1973, những người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay tại sân bay Đà Nẵng để rút khỏi Việt Nam dưới sự giám sát của Tổ Quốc tế và Tổ Liên hợp Quân sự 4 bên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 20/9/1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. (Ảnh: TTXVN)
Giành lấy và bảo vệ độc lập, tự do là yêu cầu sống còn của các dân tộc. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Trong ảnh: Chiến sỹ Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
Trải qua bao hy sinh, mất mát to lớn trong các cuộc chiến tranh, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất, từ đó phải kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong ảnh: Xét xử các đối tượng của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu, cuối năm 1980. (Ảnh: Văn Khánh/TTXVN)
Tháng 12/1987, Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên tòa công khai xét xử vụ án tổ chức phản động do Hoàng Cơ Minh cầm đầu. (Ảnh: Phương Hùng/TTXVN)
''Không có gì quý hơn độc lập, tự do!'', chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng ''đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn'' với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ: ''chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi''. Trong ảnh: Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước tiến lên. (Ảnh: TTXVN)
Trải qua bao hy sinh, mất mát to lớn trong các cuộc chiến tranh, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất, từ đó phải kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong ảnh: Tàu HQ-505 - cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc năm 1988. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. (Ảnh: TTXVN)
Phát huy thế mạnh của đất nước để có thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn giữ được độc lập chủ quyền dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong ảnh: Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết hài hòa, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước trong gần 35 năm đổi mới. Trong ảnh: Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain gặp lại cụ Mai Văn Ổn, người mà 29 năm trước (ngày 26/10/1967) đã bắt và cứu ông, khi đó là Trung úy phi công hải quân bị bắn hạ và rơi xuống hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết hài hòa, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước trong gần 35 năm đổi mới. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hội nhập càng sâu rộng sẽ tạo điều kiện bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo vệ đất nước từ xa, từ sớm. Trong ảnh: Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy ký Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác quốc tế lớn và tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn, trong đó có tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2006 (18-19/11/2006) tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Chiến sỹ Trường Sa luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị vũ khí ngày càng hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong ảnh: Tên lửa của Trung đoàn 261 khai hỏa trong một đợt diễn tập bắn đạn thật. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chiến sỹ Trung đoàn 416, Quân khu 9 luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Trung đoàn không quân 927-Đoàn không quân Lam Sơn thuộc Sư đoàn 371(Quân chủng Phòng không-Không quân) được trang bị các máy bay chiến đấu Su-30MK2 hiện đại, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Bắc của đất nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trong cương lĩnh và văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, mối quan hệ biện chứng giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế được thể hiện rất rõ. Đây chính là cơ sở để phát triển chính sách đối ngoại Việt Nam trong suốt những năm đổi mới. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Barack Obama, ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn, trong đo có tổ chức thành công APEC 2017 (11/11/2017) tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 21/1/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020 chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về tình hình Palestine-Israel. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)
Tích cực tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 13/6/2016, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Quang Hải/TTXVN)
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta luôn khẳng định chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và ta kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá. Trong ảnh: Chiến sỹ Trường Sa luôn nâng cao cảnh giác, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, cả nước bước vào kỷ nguyên mới xây dựng CNXH. Phát triển kinh tế bền vững theo đường lối độc lập, tự chủ chính là xây dựng nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình và an ninh để phát triển. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất linh kiện thân vỏ ôtô Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) - một trong những khu kinh tế thu hút đầu tư lớn của khu vực miền Trung. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế theo nguyên tắc độc lập, tự chủ và bền vững sẽ đan xen cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức. Trong ảnh: Công an nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Vai trò, vị thế, thực lực của Việt Nam được nâng lên cũng chính là bảo đảm quan trọng cho việc chúng ta giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong ảnh: Chiều 30/6/2019, tại Hà Nội, Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA và EVIPA) diễn ra với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của Việt Nam được các nước tôn trọng. Vị thế của Việt Nam được các nước đề cao. Chúng ta vừa phải tích cực, chủ động tham gia, vừa phải thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích của ta và cả lợi ích chung. Trong ảnh: Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn, trong đó có tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai (27-28/2/2019) tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Trải qua bao hy sinh, mất mát to lớn trong các cuộc chiến tranh, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất, từ đó phải kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong ảnh: Chiến sỹĐồn Biên phòng Gành Dầu tuần tra, bảo vệ biên giới biển đảo khu vực bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; có thêm nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Trong ảnh: Chiến sỹ biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Điện Biên) giúp dân thu hoạch nông sản. (Ảnh: TTXVN)
Phát triển kinh tế bền vững theo đường lối độc lập, tự chủ là xây dựng nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình và an ninh để phát triển. Trong ảnh: Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập và tự do đã giành được; nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước để tạo dựng cơ đồ, vị thế như ngày nay. Chúng ta đang từng bước hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Giáo viên hướng dân học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin tại trường THCS thị trấn huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chủ thuyết phát triển “… Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Trong ảnh: Phát triển nuôi thủy sản ở Cần Thơ phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định thu cho hàng vạn lao động. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Cơ đồ, vị thế và uy tín mà Việt Nam đạt được suốt mấy chục năm qua là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong ảnh: Những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân liên tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục