Khánh Hòa: Khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030

Để trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2030, Khánh Hòa đã và đang tập trung vào các chiến lược trọng điểm như nâng cao thu nhập bình quân đầu người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030," ngày 17/10 vừa qua. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030," ngày 17/10 vừa qua. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa đang trong giai đoạn “nước rút” với khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Mục tiêu này không chỉ là bước chuyển mình mang tính lịch sử mà còn thể hiện khát vọng của toàn thể lãnh đạo và nhân dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã và đang tập trung vào các chiến lược trọng điểm như nâng cao thu nhập bình quân đầu người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tiềm năng kinh tế biển...

Những tiềm năng, lợi thế

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân Khánh Hòa trong việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các biện pháp này bao gồm: cải thiện thu nhập bình quân đầu người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tiềm năng từ kinh tế biển.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để Khánh Hòa đạt được mục tiêu vào năm 2030, tỉnh cần thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, khắc phục những hạn chế hiện tại; đồng thời huy động mọi nguồn lực và sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Võ Văn Lợi cho rằng Khánh Hòa hiện có một số hạn chế trong việc đạt mục tiêu, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình cả nước và quy mô kinh tế còn nhỏ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 chỉ đạt 100.000 tỷ đồng. Để khắc phục, tỉnh cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; đồng thời đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong chưa đạt kỳ vọng, gây ảnh hưởng đến tiến trình nâng cấp tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.

ttxvn_khu kinh te Van Phong.jpg
Khu Kinh tế Vân Phong nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ông Lê Hồng Phương nhấn mạnh việc hoàn thiện hạ tầng và quy hoạch phân khu là cần thiết để Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển, góp phần đưa tỉnh tiến đến mục tiêu đã đề ra.

Giai đoạn 2026-2030, Khánh Hòa đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GRDP 8,8%/năm và tăng trưởng năng suất lao động 7,8%/năm; phấn đấu tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 664.000 tỷ đồng, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/người. Các mục tiêu khác bao gồm: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 81,91% và tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư đạt 100%.

Trung tâm kinh tế năng động

Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ cải cách hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng hiện đại. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng. Trong đó, nổi bật là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần tăng cường sức cạnh tranh kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Các chỉ số về GRDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng, đưa Khánh Hòa vào nhóm các tỉnh đóng góp quan trọng cho ngân sách Trung ương. Kinh tế Khánh Hòa từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, vượt mốc 100.000 tỷ đồng (xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); tiếp tục duy trì là một trong 18 tỉnh có đóng góp vào ngân sách Trung ương.

GRDP năm 2022 tăng 20,7% (cao nhất cả nước); năm 2023 tăng 10,24% (đứng thứ 4 cả nước). Đặc biệt, 9 tháng của năm nay, GRDP của tỉnh tăng 10,45%, xếp thứ 6 cả nước và xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng/người (gấp 2,1 lần so với năm 2021)...

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông-lâm-thủy sản. Tỉnh đặt trọng tâm vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế biển làm nền tảng.

Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục hướng tới việc huy động các nguồn lực, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và giữ vững quốc phòng-an ninh. Sự đóng góp của các nhà khoa học và các bên liên quan sẽ là yếu tố quan trọng giúp tỉnh đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Khánh Hòa đang đứng trước những thách thức và cơ hội trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Thành công của mục tiêu này không chỉ nâng cao vị thế của tỉnh, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, xây dựng một hình mẫu về phát triển bền vững và hiện đại trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục