55 năm thành lập ASEAN: Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín, thành công trên thế giới, là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân Đông Nam Á.
Sáng 8/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao trang trọng tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đúng ngày này cách đây 55 năm, ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được thành lập tại Bangkok (Thái Lan). Trải qua muôn vàn thử thách trong hơn nửa thập kỷ, ASEAN đã củng cố, phát triển trở thành một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng, thành công trên thế giới, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng, kiến tạo, gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển ở Đông Nam Á và khu vực.

Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết: "55 năm ASEAN-Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng." Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.

55 năm ASEAN-Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng vì hòa bình, ổn định, phát triển ở Đông Nam Á và khu vực.

Từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín, thành công trên thế giới, là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 quốc gia Đông Nam Á có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy, quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.

Hành trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cùng chung tầm nhìn và bản sắc

Sự ra đời của ASEAN cách đây 55 năm đã phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia trong khu vực về hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Vượt qua thăng trầm, thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực, ASEAN ngày càng phát triển, hoàn thiện về nhiều mặt.

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN đã mở đường cho xây dựng ngôi nhà chung ASEAN gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á. Năm 1997, lần đầu tiên ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 về một Cộng đồng "gắn kết trong bản sắc chung," đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia thành viên về một khu vực Đông Nam Á "sông núi không còn chia cắt mà gắn kết chúng ta trong hữu nghị và hợp tác."

Đặc biệt, việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội đã nâng tiến trình hợp tác, liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.

"Phương cách ASEAN" dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp, phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN.

Chính "phương cách ASEAN" đã giúp ASEAN cùng các nước thành viên vượt qua những giai đoạn sóng gió của khu vực và thế giới. Đồng thời, mỗi khi vượt qua thử thách, khó khăn, ASEAN càng trưởng thành, tinh thần đoàn kết, thống nhất càng được đề cao, phương cách và bản sắc ASEAN càng tỏa sáng.

[55 năm ASEAN hình thành và phát triển: Những dấu mốc quan trọng]

Nhờ đó, ASEAN càng khẳng định được uy tín, vị thế và vai trò trung tâm, quan hệ với các đối tác được mở rộng, thực chất và sâu sắc hơn, tranh thủ được sự ủng hộ sâu rộng, hiệu quả của quốc tế cho thúc đẩy phát triển, liên kết của ASEAN.

Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia, tổ chức quốc tế quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU…). Nhiều quan điểm và quy định của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)… được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ, từ đó thúc đẩy hợp tác và nâng tầm quan hệ với ASEAN.

Trung thành với mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình, ASEAN đã phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.

Trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, ASEAN đã và đang đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Chương trình nghệ thuật chào mừng 55 năm ngày thành lập ASEAN, được tổ chức tại Cà Mau tối 7/8/2022. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong tiến trình liên kết ASEAN suốt 55 năm qua. Đến nay, trao đổi thương mại nội khối chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. GDP của cả khối năm 2021 đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015 khi thành lập Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, ASEAN còn là trung tâm của không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công. Những thành quả đã đạt được là nền tảng vững chắc cho ASEAN nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 để tiếp tục củng cố Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thích ứng.

Đoàn kết để thống nhất ý chí, đề cao ý thức cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì lợi ích chung và lâu dài của Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.

Tự cường để giữ vững bản lĩnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh nội sinh của từng quốc gia thành viên và cả Cộng đồng ASEAN. Thích ứng để luôn tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, vững vàng vươn lên trước những biến chuyển phức tạp của khu vực và thế giới.

Việt Nam luôn vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phát triển

ASEAN giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Gia nhập ASEAN năm 1995 là một quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, góp phần tạo nên cục diện mới về hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như nâng cao uy tín, vị thế của đất nước

Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng các nguyên tắc, phương cách và bản sắc của ASEAN, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho tăng cường đoàn kết, hiện thực hóa ý tưởng ASEAN gồm 10 nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Trong các hoạt động của ASEAN, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết và đồng thuận theo tinh thần: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công."

Những lần Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN đều vào những giai đoạn Hiệp hội gặp nhiều thử thách. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trước vô vàn khó khăn chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, thể hiện trọn vẹn tinh thần: "Gắn kết và chủ động thích ứng," đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, đồng thời định hướng phát triển cho Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn mới.

Thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục cùng các nước ASEAN phát huy hơn nữa bản sắc, vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên ASEAN cũng như các đối tác trong, ngoài khu vực.

Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy, có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình cùng ASEAN viết tiếp những chương thành công về xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

(Từ trái qua phải): Đại diện 5 quốc gia sáng lập khối ASEAN tại Bangkok, ngày 8/8/1967: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Narcio Ramos, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Adam Malik, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanat Khoman, Phó Thủ tướng Malaysia Abdul Razak và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Sinnathamby Rajaratnam. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại kỳ họp lần thứ 27 ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ 22-28/7/1994. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang) và Bộ trưởng Ngoại giao các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Thái Lan dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 12 tại Singapore (13/2/1997). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/07/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN A.Singh tại Lễ kết nạp CHDCND Lào và Liên bang Myanmar làm thành viên chính thức của ASEAN, ngày 23/7/1997, tại Subang Jaya (Malaysia). (Ảnh: Phạm Quyền/TTXVN)
Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI, ngày 15/12/1998, tại Hà Nội. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ hai, từ trái sang) ký Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15-16/12/1998. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về xây dựng Hiến chương ASEAN, ngày 12/12/2005, tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 ở Cebu (Philippines), chiều 13/1/2007. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 12, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, tại Hua Hin (Thái Lan), ngày 24/10/2009. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Các vận động viên tranh tài tại Giải bắn súng quân dụng Quân đội các nước ASEAN lần thứ 16, tổ chức tháng 12/2006 ở Trung tâm Huấn luyện quân sự Miếu Môn, Hà Nội. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)
Thanh niên các nước ASEAN tham dự chương trình giao lưu thanh niên ASEAN – Trung Quốc tại Siem Reap, Campuchia, từ 26/6-1/7/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn ký kết các văn kiện tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, chiều 29/4/2017, tại Manila, Philippines. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 ở Cebu (Philippines), chiều 13/1/2007. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 12, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, tại Hua Hin (Thái Lan), ngày 24/10/2009. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn nút khởi động Chiến dịch Du lịch ASEAN@50, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29, tổ chức tại Vientiane (Lào), ngày 6/9/2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, ngày 28/4/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab và các Trưởng đoàn tham dự Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF-ASEAN 2018 tại Hà Nội, sáng 12/9/2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (AEM 51) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan (2019). (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN-Hàn Quốc, ngày 4/9/2019, tại Seoul. (Ảnh: TTXVN phát)
Khai mạc cuộc tập trận trên biển chung đầu tiên giữa hải quân Mỹ và hải quân ASEAN (AUMX), tại căn cứ hải quân Sattahip, Thái Lan (2019). (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận búa Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, tối 4/11/2019, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sáng 15/11/2020, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 6/1/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 (SOMTC 20) do Philippines chủ trì theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ nhà tổ chức Hội nghị thường niên Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) lần thứ 8 năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Hà Ngọc/TTXVN)
Tuỳ viên Quốc phòng các nước ASEAN và các nước ASEAN + tham dự diễn tập cơ chế phòng, chống dịch COVID-19 giữa quân y các nước ASEAN (ADMM COVID-19) trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2020) và 25 năm ngày Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này (28/7/1995 - 28/7/2020). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) và Lễ bàn giao chức Chủ tịch ACDFM-17 cho Brunei được tổ chức tại Hà Nội, sáng 24/9/2020. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trưng bày thành tựu quốc phòng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei theo hình thức trực tuyến tại Lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 24/4/2021, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Lễ chào cờ ASEAN và Ngày Gia đình ASEAN (ASEAN FAMILY DAY) với khẩu hiệu “ASEAN đoàn kết chung tay đẩy lùi COVID-19” theo hình thức trực tuyến, ngày 8/8/2021. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Diễn đàn quản trị đất nước tốt với chủ đề "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ASEAN và ASEAN+3 về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21), sáng 4/8/2022, tại Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 và ASEAN+3, đồng chủ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc tại Campuchia, ngày 4/8/2022. (Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/TTXVN)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25 tổ chức tại thành phố biển Sihanoukville (Campuchia) đã nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch ASEAN nhằm phục hồi ngành này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (19/1/2022). (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Lãnh đạo ASEAN dự cuộc thảo luận về hành động khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và hạ tầng bền vững, do Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chủ trì tại Washington D.C, chiều 13/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, tối 12/5/2022 (giờ địa phương), tại Washington D.C.(Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo ASEAN gặp Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục