Trong những năm qua, Lào luôn là quốc gia thu hút nhiều nhất vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài việc gần gũi về mặt địa lý, lý do lớn nhất không chỉ đến từ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, mà còn đến từ tiếng gọi của trách nhiệm đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước anh em.
Chỉ 14 năm sau khi đặt chân sang Đất nước Triệu Voi, Star Telecom (Unitel) - công ty con của liên doanh giữa Công ty Viễn thông Lào-Asia và Công ty Vietel của Việt Nam - đã trở thành nhà mạng viễn thông lớn nhất, một trong những công ty đóng góp ngân sách nhiều nhất, tạo nhiều công ăn việc làm nhất tại Lào với hơn 27.000 lao động, có uy tín rất lớn đối với Chính phủ và nhân dân Lào.
Có được điều này ngoài sự sáng suốt, quyết đoán trong chỉ đạo điều hành kinh doanh của Ban Giám đốc, còn có sự hưởng lợi rất lớn từ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào.
[61 năm quan hệ Việt Nam-Lào: Đồng hành để cùng phát triển]
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Unitel, cho biết Quan hệ Hữu nghị Đặc biệt Việt Nam-Lào đã giúp công ty rất nhiều thuận lợi trong kinh doanh.
Điều này thể hiện rõ nét khi các dịch vụ do công ty triển khai đều được người dân Lào đón nhận, trong khi các bộ, ban, ngành sở tại luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công ty.
Theo ông Trần Trung Hưng, Vietel kinh doanh ở rất nhiều quốc gia nhưng khi kinh doanh ở Lào có sự thuận lợi rất lớn và điều này chính là nhờ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Cũng theo Tổng Giám đốc Trần Trung Hưng, dù Lào là quốc gia có dân số ít, mật độ thưa, tiêu dùng viễn thông thuộc những nước thấp nhất thế giới, nhưng vì trách nhiệm với xã hội, sau 14 năm, Unitel đã đưa Lào trở thành một trong những nước có hạ tầng viễn thông tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ kinh doanh, công ty này cũng làm tốt công tác xã hội, tích cực hỗ trợ Chính phủ Lào trong chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện nhiều chương trình xã hội ý nghĩa với các khoản tài trợ trên 3 triệu USD mỗi năm như chương trình Internet miễn phí cho trường học, xây dựng trường học, trạm y tế, học bổng cho học sinh nghèo, hằng tháng hỗ trợ thực phẩm và vật dụng cho người dân nghèo.
Không nổi tiếng toàn quốc như Unitel, gần 2 thập niên trước, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Việt-Lào đã chọn Bachiaeng và Senaxempu, những huyện vùng sâu vùng xa, nghèo nhất tỉnh Champasak, Nam Lào, để trồng cây cao su giúp nước bạn phát triển kinh tế.
Hơn 18 năm sau khi công ty đầu tư vào địa bàn, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực lớn cho tình hình phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo.
Ông Phạm Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Việt- Lào, cho biết: “Trước đây, đối với một gia đình để có được 1 chiếc xe đạp đi là rất khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Champasak và huyện Bachieang nói riêng, công ty đã mang lại rất nhiều lợi ích về an sinh xã hội, hoạt động đi lại của người dân địa phương trở nên dễ dàng, thuận lợi. Đời sống của người dân có nhiều đổi thay, nhà nhà mua sắm được xe máy, nhiều hộ mua được cả ô tô và các phương tiện khác phục vụ cho gia đình.”
Từ một huyện nghèo nhất tỉnh, nhờ nguồn thuế công ty đóng, Bachiaeng hiện đã chủ động được nguồn kinh phí hoạt động, không phải chờ kinh phí giải ngân của tỉnh và trung ương như trước.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Somboun Heuangvongxa, Phó Chủ tịch tỉnh Champasak, cho biết các nhà đầu tư Việt Nam không chỉ làm tốt việc kinh doanh, nghĩa vụ thuế phí, mà còn thể hiện là những nhà đầu tư rất có trách nhiệm. Bên cạnh việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường theo đúng với hợp đồng đã ký kết, các nhà đầu tư Việt Nam là những người thực hiện tốt nhất công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người dân trong khu vực dự án. Điều này không chỉ được các cơ quan thanh kiểm tra ở các cấp của Lào thừa nhận, mà còn được các lãnh đạo trung ương khi đến thăm, làm việc và kiểm tra đều đánh giá rằng các công ty của Việt Nam đã làm rất tốt.
Ông Somboun nhấn mạnh tỉnh Champasak hiện có 18 quốc gia đầu tư, tuy nhiên nếu nói về làm công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người dân trong khu vực dự án, các công ty Việt Nam làm tốt nhất, lý do là vì Việt Nam và Lào là hai nước anh em, có quan hệ hữu nghị đặc biệt, không giống như công ty của các nước khác.
Về lý do trong những năm qua, Lào luôn là quốc gia thu hút nhiều nhất vốn FDI của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt, ông Khamjane Vongphosy cho biết ngoài lợi thế về địa lý, lý do chính là vì Lào và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trải qua nhiều thập kỷ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là giúp mình.”
Theo Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt, ông Khamjane Vongphosy, đây là lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết định sang đầu tư để giúp Lào, không chỉ ở các khu vực đồng bằng đô thị, mà cả các khu vực vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn của Lào, không chỉ vì mục đích lợi nhuận đơn thuần mà còn vì quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Trong diễn văn đọc tại thủ đô Hà Nội vào ngày 18/7/2022 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào, đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước.”
Đây là một cam kết hết sức mạnh mẽ, cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam mãi mãi trường tồn với thời gian./.