8 biện pháp Triều Tiên sử dụng để ứng phó với các lệnh trừng phạt

Triều Tiên đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, trong đó có 2 biện pháp nổi bật là buôn lậu và dùng các công ty bình phong để thu ngoại tệ.
8 biện pháp Triều Tiên sử dụng để ứng phó với các lệnh trừng phạt ảnh 1Quốc kỳ của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Theo South China Morning Post, Liên hợp quốc mới đây đã thông qua những biện pháp trừng phạt mạnh nhất chống Triều Tiên để đáp trả việc Bình Nhưỡng theo đuổi thử hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngờ về hiệu quả của lệnh trừng phạt trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo một số báo cáo của Liên hợp quốc và Mỹ, Triều Tiên đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, trong đó có 2 biện pháp nổi bật là buôn lậu và dùng các công ty bình phong để thu ngoại tệ.

Các báo cáo nêu trên đã liệt kê 8 trong số nhiều biện pháp mà Triều Tiên sử dụng gồm:

1. Trao đổi hàng hóa: Triều Tiên trực tiếp trao đổi than và khoáng sản khác để có được hàng hóa cần thiết, ví dụ như linh kiện vũ khí và các mặt hàng xa xỉ. Biện pháp này tránh nguy cơ bị lộ từ việc chuyển tiền.

2. Buôn lậu: Các đối tượng buôn lậu từ các nước khác, ví dụ như Trung Quốc, tắt hệ thống tín hiệu vô tuyến trên tàu khi đi vào hải phận của Triều Tiên, sau đó nhận hàng hóa của Triều Tiên để chuyển tới một nước khác, ví dụ như Nga. Tiếp theo, họ tuyên bố rằng số hàng hóa đó được sản xuất tại Nga.

[Liên hợp quốc hết lựa chọn trong việc kiềm chế hạt nhân của Triều Tiên]

3. Giả mạo các giấy tờ đăng ký tàu: Triều Tiên đã đăng ký các tàu với một số lượng nhiều bất thường, trong đó có nhiều tàu thuộc quyền sở hữu của nước ngoài. Điều này cho phép Triều Tiên tránh được các hoạt động thanh sát của quốc tế.

4. Xuất khẩu lao động và các dự án ở nước ngoài giúp tạo ngân quỹ cho chương trình vũ khí: Có khoảng 100.000 người Triều Tiên đang lao động trên toàn thế giới, mang lại khoản thu khoảng 500 triệu USD cho Bình Nhưỡng. Nhóm các Dự án Mansudae ở hải ngoại thuộc các công ty xây dựng của Triều Tiên cũng mang lại nguồn ngoại tệ cho nước này.

5. Thay đổi thiết bị không thuộc diện bị cấm vận để sử dụng cho mục đích quân sự.

6. Các công ty bình phong: Các công ty của Triều Tiên hoạt động ở nước ngoài lập các tài khoản ngân hàng để tích lũy vốn. 

7.Vỏ bọc ngoại giao: Triều Tiên sử dụng các nhà ngoại giao của nước này ở nước ngoài để mở nhiều tài khoản ngân hàng. Các tài khoản mang tên chính họ, những thành viên trong gia đình họ hoặc cho các công ty bình phong.

8. Bán vũ khí: Bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, Triều Tiên vẫn bán vũ khí và cung cấp huấn luyện quân sự ở nước ngoài. Hoạt động này đặc biệt sôi động tại khu vực châu Phi và Trung Đông, ví dụ như Angola, CHDC Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda, Tanzania.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.