Đối với nhiều người, sự lo lắng xảy ra một cách thường xuyên sẽ có nguy cơ trở thành căn bệnh mãn tính.
Nhà trị liệu tâm lý của trang Black Minds Matter-Dania cho biết cảm giác lo lắng khiến nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, và các triệu chứng như nhịp tim tăng, buồn nôn, nghiến răng, liên tục suy nghĩ quá nhiều, dễ tức giận và mắc phải những căn bệnh rối loạn… là các triệu chứng rất dễ gặp phải.
Đi vào giấc ngủ
Có lẽ cách chữa chứng bệnh lo âu tự nhiên nhất mà bạn có thể làm đều đặn hàng ngày đó là đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Tiến sỹ Sophie Bostock - chuyên gia về giấc ngủ người Anh, cho biết giấc ngủ giúp xử lý và điều chỉnh cảm xúc, củng cố ký ức, làm mới khả năng học hỏi và đổi mới mức năng lượng thể chất của bạn.
Sau một giấc ngủ dài, tinh thần của bạn sẽ cảm thấy ổn định trở lại, giảm bớt mọi lắng lo, căng thẳng với những vấn đề bạn gặp phải. Tuy nhiên, nếu giấc ngủ bị gián đoạn, các chức năng này sẽ không hoàn thiện.
Chế độ ăn uống đều đặn
Nếu bạn đang phải đối mặt với cảm giác lo lắng, lời khuyên cho bạn là nên ăn theo cách giúp giữ lượng đường ổn định, nghĩa là ăn các bữa đều đặn trong ngày và không bỏ bữa nào, đặc biệt là bữa sáng. Mức đường trong máu có tác động trực tiếp đến sự lo lắng.
Nói một cách đơn giản, nếu lượng đường trong máu của bạn không nhất quán thì mức năng lượng và tâm trạng của bạn cũng sẽ trở nên thất thường, và việc giảm lượng đường trong máu có thể gây ra các triệu chứng lo âu, căng thẳng.
Vận động thể chất thường xuyên
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, luyện tập thể dục rất hữu ích ttrong việc giúp làm giảm cảm giác lo lắng.
Hoạt động tích cực không chỉ làm bạn tạm quên đi những vấn đề khiến bạn bận tâm, mà còn kích hoạt cơ thể giải phóng endorphin, gia tăng cảm giác hạnh phúc; và chỉ cần 10 phút tập ngoài trời cũng đủ giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Ngoài các hoạt động thể chất, các bài tập yoga và ngồi thiền cũng giúp loại bỏ những suy nghĩ hỗn loạn khỏi tâm trí và tìm lại sự cân bằng trong cảm xúc.
Hít thở sâu
Thở nhanh và nông là một triệu chứng phổ biến của lo lắng. Hít thở theo cách này có thể làm tăng nhịp tim, khiến bạn cảm thấy chóng mặt, và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ lên cơn hoảng sợ.
Hơi thở tưởng chừng như đơn giản nhưng nó có khả năng thay đổi cách hệ thống thần kinh của chúng ta hoạt động.
[Điểm danh những loại tinh dầu giúp giảm căng thẳng và lo âu]
Hãy thử thực hành kỹ thuật thở sâu trong vòng 5 phút, 3 lần/ngày để bắt đầu dạy hệ thần kinh của bạn cách thư giãn và giữ tinh thần thoải mái: hít vào bằng mũi trong 6 giây và thở ra bằng mũi trong 6 giây.
Viết nhật ký
Viết nhật ký có thể cực kỳ hiệu quả vì nó chỉ cho phép đầu óc bạn tập trung vào câu chuyện trên trang giấy.
Bạn có thể viết ra những vấn đề mà thường ngày gặp phải, những lo lắng thường trực trong suy nghĩ của bạn. Đây là một liệu pháp tâm lý có khả năng giải phóng các nỗi lo âu nặng nề trong đầu bạn.
Thêm vào đó, viết nhật ký cũng là một cách tuyệt vời để hiểu rõ hơn về bản thân.
Hạn chế uống rượu và càphê
Rượu và càphê có thể làm dịu thần kinh của bạn nhưng khi lạm dụng, sự lo lắng còn trở nên tồi tệ hơn.
Theo các nghiên cứu cho rằng, rượu có thể làm tiêu hao vitamin B vốn rất quan trọng đối với hệ thần kinh khỏe mạnh, và caffeine có thể làm tăng nồng độ cortisol (hormone gây căng thẳng).
Các bác sỹ khuyên những người bị lo lắng nên giảm cả hai loại đồ uống này hoặc cắt bỏ hoàn toàn nếu có thể.
Làm bạn với thú cưng
Nghiên cứu về tác động tâm lý xã hội và tâm sinh lý của tương tác giữa người và động vật cho thấy, tương tác với động vật có thể làm giảm căng thẳng, các triệu chứng trầm cảm, cảm giác sợ hãi và hung hăng, nó thậm chí còn có khả năng làm giảm huyết áp.
Ngâm mình trong bồn nước lạnh
Tắm không phải là một phương pháp chữa trị lo lắng, nhưng nó có thể giúp bạn bình tĩnh và giảm căng thẳng. Hít thở sâu 3 lần và thả lỏng cơ thể trong khi tắm. Cố gắng ngâm mình trong bồn tắm ít nhất 20 phút và thực hành nhắm mắt thiền nhẹ nhàng.
Ngâm mình trong nước lạnh được coi là xu hướng tăng cường năng lượng tốt nhất giúp cải thiện sức khỏe tinh thần./.