Cuộc vận động Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) hiện nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nhà khoa học Xứ sở Sương mù.
Đa số các nhà khoa học và học giả Anh đều cho rằng "Brexit" (tức Anh rời EU) sẽ đe dọa nền khoa học nước nhà.
Khảo sát của tạp chí Nature cho hay 83% trong tổng số 907 nhà khoa học người Anh bày tỏ mong muốn ở lại “ngôi nhà chung.”
Các nhà khoa học Anh và các nước thành viên EU đang cùng hợp tác chặt chẽ trong nhiều chương trình khoa học tự nhiên và khoa học vật lý.
Các chuyên gia cho rằng cho dù người dân Anh có bỏ phiếu rời EU, hai bên sẽ vẫn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực khoa học ở một mức độ nào đó, song quy mô có lẽ sẽ không bằng như khi Anh là thành viên của liên minh này.
Một trong những điều khiến giới khoa học quan ngại nhất là “Brexit” sẽ dẫn tới sự hạn chế việc di chuyển hay đi lại tự do của các nhà khoa học giữa Anh và các nước thành viên EU, hoặc trong trường hợp xấu có thể ngăn chặn hoàn toàn sự di chuyển này cũng như sự trao đổi về chuyên môn giữa các nhóm nghiên cứu, điều mà Thụy Sĩ - hiện vẫn đứng ngoài EU - từng trải qua hồi năm 2014.
Có lẽ tác động sát sườn hơn là việc nước Anh sẽ không còn được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính cho khoa học của EU như hiện nay.
Thống kê của Royal Society, viện khoa học hàng đầu nước Anh, cho hay trong giai đoạn 2007-2013, Anh đóng góp khoảng 5,4 tỷ euro (6,04 tỷ USD) vào ngân sách của EU dành cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo, trong khi nhận khoảng 8,8 tỷ euro trên tổng kinh phí 107 tỷ euro mà EU chi cho nghiên cứu, phát triển và sáng tạo của các nước thành viên trong cùng thời gian này.
Báo cáo của công ty công nghệ DigitalScience công bố hồi tháng Năm cho thấy trong thập kỷ trước, nguồn vốn hỗ trợ của EU dành cho nghiên cứu ung thư tại Anh lên tới 126 triệu bảng (177,66 triệu USD), tương đương trên 40% ngân sách nhà nước của "đảo quốc sương mù" dành cho công tác này.
Các nhà khoa học Anh lo ngại “Brexit” còn làm giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của Anh trong các quyết định của EU liên quan đến việc phân bổ hỗ trợ tài chính cho ngành khoa học quốc tế .
Hồi tháng Ba vừa qua, 150 nhà khoa học của hàng đầu nước Anh đã ký vào một lá thư gửi tới tạp chí The Times (Thời báo) trong đó nói rằng bỏ phiếu rời EU sẽ là một “thảm họa” cho ngành khoa học và các trường đại học của Anh.
Gần đây nhất, 13 nhà khoa học có uy tín của Anh, trong đó có nhà khoa học từng đoạt giải thưởng Nobel Peter Higgs đã cùng ký vào một lá thư đăng trên nhật báo Telegraph (Điện tín) số ra ngày 11/6 để ủng hộ việc Anh ở lại EU.
Tiến sỹ Mike Galsworthy, người thành lập nhóm Các nhà khoa học vì EU, nhóm vận động Anh ở lại EU, cho rằng nếu “Brexit” xảy ra, Anh sẽ vẫn là cường quốc khoa học phát triển nhanh, nhưng sẽ không còn là động lực chính của EU, một siêu cường khoa học.
Tuy rằng nhiều cá nhân tạo ra những phát kiến khoa học hữu ích cho loài người, song khoa học chưa bao giờ dựa vào một cá nhân mà nó cần sự hợp tác giữa các cá nhân và các nước.
Anh ở lại EU có thể được ví như việc "đứng trên vai người khổng lồ."
Việc hợp tác trong lĩnh vực này sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu Xứ sở Sương mù rời "ngôi nhà chung". /.