Những con phố đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội không nơi nào có

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và văn hóa, mà còn cuốn hút bởi sự đa dạng và đặc biệt của những con phố "riêng có".

vnp_pho phuong Ha Noi1.jpg
Phố Hồ Hoàn Kiếm được biết đến là con phố ngắn nhất trong lòng Thủ đô. Nằm sát bên hồ Hoàn Kiếm, con phố này chỉ dài vỏn vẹn 52 mét. Tuy nhiên, dù ngắn ngủi, nó lại có vị trí đặc biệt quan trọng, như một lối nhỏ kết nối giữa đường Lê Thái Tổ và phố Cầu Gỗ, dẫn du khách đến với Hồ Gươm - trái tim của Hà Nội. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi2.jpg
Phố Hồ Hoàn Kiếm - phố ngắn nhất Hà Nội với chiều dài khoảng 52m và chỉ có 5 số nhà trên con phố này. Con phố nhỏ nằm thu mình một góc ở phố cổ, nối dài từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng, hướng thẳng ra hồ Gươm. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi4.jpg
Tuy ngắn nhưng phố Hồ Hoàn Kiếm là lát cắt chân thực của Thủ đô về sự giao thoa giữa lịch sử văn hóa và hiện đại phồn hoa. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi3.jpg
Con phố nằm ở vị trí đắc địa, hướng thẳng ra mặt hồ, đứng từ phố nhìn rõ cầu Thê Húc với dòng người tấp nập qua lại. Phố Hồ Hoàn Kiếm không chỉ nổi bật bởi độ dài khiêm tốn, mà còn mang đậm tính lịch sử và giá trị văn hóa. Những ngôi nhà trên phố vẫn giữ nguyên được dáng vẻ cổ kính, làm nổi bật thêm không gian xưa cũ mà người Hà Nội luôn tự hào. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi22.jpg
Nhắc đến phố Hỏa Lò, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nhà tù Hỏa Lò – một di tích lịch sử nổi tiếng, từng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng và tù nhân chính trị dưới thời Pháp thuộc. Đặc biệt, con phố này chỉ có duy nhất một địa chỉ là nhà tù Hỏa Lò, do đó được nhiều người gọi vui là "phố một địa chỉ" hay "Nhà không số, phố Hỏa Lò." Ngày nay, nơi này đã trở thành một bảo tàng sống động, giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử và những năm tháng hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi23.jpg
Phố Hỏa Lò có chiều dài 165m rộng 10m, nối từ phố hai Hai Bà Trưng đến phố Lý Thường Kiệt. Phố Hỏa Lò được “vây hãm” bởi những bức tường bằng đá, cốt thép cao tới 4m. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi21.jpg
Dù chỉ có một công trình duy nhất, nhưng phố Hỏa Lò vẫn có vị trí quan trọng trong lòng người dân Thủ đô, không chỉ bởi giá trị lịch sử, mà còn là biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi24.jpg
Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cả du khách trong nước và nước ngoài.
(Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi11.jpg
Nằm giữa lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Mã từ lâu đã nổi tiếng với sự rực rỡ và náo nhiệt quanh năm, đặc biệt là mỗi dịp lễ Tết hay Trung thu. Đây là nơi tập trung các cửa hàng chuyên bán đồ trang trí, từ lồng đèn, đèn lồng, đồ vàng mã cho đến các loại vật phẩm trang trí thủ công khác. Mỗi dịp Trung thu, cả con phố như được khoác lên mình một chiếc áo mới, lung linh sắc màu của những chiếc đèn lồng, ngôi sao, và các món đồ chơi truyền thống. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi6.jpg
Phố Hàng Mã không chỉ là nơi thu hút người dân Hà Nội mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhất là vào những dịp lễ hội. Khung cảnh nhộn nhịp của các gian hàng, với hàng ngàn sản phẩm đủ sắc màu bày bán hai bên đường, tạo nên không khí tươi vui, sôi động. Những món đồ vàng mã, đèn lồng, trang trí thủ công mang đậm chất văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng vẫn có sự giao thoa với xu hướng hiện đại. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi7.jpg
Điểm nổi bật nhất của phố Hàng Mã chính là khả năng "biến hoá" theo mùa. Từ dịp Tết Nguyên Đán, Trung thu, đến lễ Giáng sinh hay lễ hội Halloween, mỗi thời điểm lại mang đến cho con phố này một diện mạo mới, rực rỡ và cuốn hút. Dù là người dân Hà Nội hay du khách nước ngoài, khi đi dạo qua phố Hàng Mã, mọi người đều cảm nhận được sự ấm áp, không khí lễ hội và tinh thần sống động của thành phố. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi17.jpg
Phố Phùng Hưng trước đây là một con đường ít người qua lại, đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" khi trở thành một không gian nghệ thuật công cộng độc đáo với những bức tranh bích họa sống động. Đây là sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt - Hàn được thực hiện trong vòng 3 tháng và 17 tác phẩm thể hiện trên 127 vòm cầu với thông điệp tạo ra một không gian nghệ thuật kết nối giá trị di sản, lịch sử và cộng đồng. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi18.jpg
Phố bích họa Phùng Hưng đã nhanh chóng trở thành một địa điểm "check in" lý tưởng của giới trẻ và du khách. Đặc biệt, nơi đây còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố, tạo thêm điểm nhấn cho không gian nghệ thuật độc đáo này. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, là mảnh ghép của lịch sử và văn hóa Hà Nội, giúp người xem hiểu rõ hơn về vẻ đẹp truyền thống của mảnh đất kinh kỳ. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi20.jpg
Những bức tranh trên tường tại phố Phùng Hưng được vẽ dọc theo các vòm cầu đá, tái hiện lại hình ảnh đời sống sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội xưa. Từ cảnh buôn bán tại phố cổ, hình ảnh tàu điện leng keng từng một thời gắn bó với Hà Nội, đến những phiên chợ, gánh hàng rong – tất cả đều hiện lên chân thực và sống động. Những bức bích họa không chỉ làm đẹp thêm cho con phố mà còn mang ý nghĩa lưu giữ ký ức về một Hà Nội của quá khứ. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi15.jpg
Phố Cổng Đục cũng là một trong những con phố nhỏ và ít người biết đến tại Hà Nội, nằm ở khu vực Hoàn Kiếm. Mặc dù diện tích hẹp và ngắn, nhưng con phố vẫn có những nét duyên riêng, là một trong những mảnh ghép tạo nên bức tranh đa dạng về phố phường Hà Nội. Phố Cổng Đục là một con phố hẹp rộng khoảng 5m, có chiều dài 110m thuộc thị phận phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi13.jpg
Tên của con phố này xuất phát từ câu chuyện lịch sử người Pháp đục phá tường thành để làm lối ra vào thuận tiện cho việc mua bán sản xuất hay đi chơi ở chợ Đông Thành năm 1882. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
vnp_pho phuong Ha Noi14.jpg
Cổng Đục có nghĩa là cổng mở ra tường thành ở phía đông. Ngày nay, con phố nhỏ nằm thu mình giữa phố thị ồn ào với dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng vốn có của nó. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.