Ngày 21/7, Brazil bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Trung Quốc điều chế mang tên CoronaVac, với sự tham gia của khoảng 9.000 nhân viên y tế ở 6 bang của nước này.
Cụ thể, các nhân viên y tế của Brazil sẽ được tiêm 2 liều vắcxin CoronaVac trong vòng 3 tháng tới.
Theo ông Joao Doria, Thống đốc bang Sao Paulo - "ổ dịch" lớn nhất - tại Brazil, các kết quả thử nghiệm đầu tiên sẽ có được sau 90 ngày.
Trong trường hợp vắcxin CoronaVac đạt kết quả an toàn và hiệu quả, Brazil sẽ được phép sản xuất 120 triệu liều theo thỏa thuận giữa Viện nghiên cứu Butantan của Brazil và đối tác Sinovac Biotech, hãng dược tư nhân của Trung Quốc.
Như vậy, CoronaVac là vắcxin thứ ba trên thế giới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tức là tiến hành thử nghiệm ở người trên quy mô lớn. Đây là bước cuối cùng trước khi vắcxin này được cấp phép đưa vào sử dụng.
Brazil hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
[Việt Nam nỗ lực rút ngắn thời gian sản xuất vắcxin phòng COVID-19]
Tính đến nay, Brazil ghi nhận tổng cộng 2.166.532 ca mắc COVID-19 và 81.597 ca tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang hỗ trợ thực hiện giai đoạn 3 thử nghiệm trong phòng thí nghiệm vắcxin AZD1222 do Đại học Oxford và công ty dược AstraZeneca (Anh) cùng phát triển.
Cùng ngày, Tổng giám đốc Công ty dược AstraZeneca Pascal Soriot cho biết vắcxin AZD1222 có thể sẽ có mặt trên toàn cầu vào cuối năm nay.
Trả lời phỏng vấn trên Đài RTL, ông Soriot nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là đưa vắcxin tới tất cả mọi người và để có thể làm như vậy một cách bình đẳng, phi lợi nhuận, chúng tôi sẽ cung cấp vaccin với giá bằng chi phí sản xuất, vào khoảng 2,5 euro (2,8 USD)/đơn vị vắcxin."
Ông Soriot cũng bày tỏ hy vọng loại vắcxin này có thể được sản xuất vào cuối năm nay nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn ba cho kết quả tốt vào mùa Thu này.
Theo kết quả đăng tải trên tạp chí The Lancet mới đây, vắcxin thử nghiệm AZD1222 cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn một và hai.
Cụ thể, vắcxin AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch của tế bào T./.