Các lãnh đạo từ Hội đồng cố vấn kinh doanh APEC (ABAC) ngày 10/11 khẳng định rằng cần phải có một phương pháp chung lấy con người làm trung tâm trong chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương để vượt qua các thách thức hiện tại.
Chủ tịch ABAC Rachel Taulelei nhận định rằng các thách thức đang đối mặt hiện nay, dù là sự phục hồi sau đại dịch, thương mại, biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng, cho thấy chỉ bằng cách hợp tác với nhau, thì các nền kinh tế mới có thể đạt được một tương lai ổn định, hòa bình và thịnh vượng.
Về vấn đề phục hồi sau đại dịch, bà Taulelei cho biết, quan điểm của ABAC là vaccine là chìa khóa để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế này. Điều đó cho phép các nước mở cửa biên giới một cách an toàn và không giới hạn, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra, ABAC đã đề xuất APEC áp dụng một khung thống nhất cho hoạt động thương mại và đầu tư vào năng lượng tái tạo.
[Thông tin cơ bản về Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương]
Bên cạnh đó, bà Taulelei cho rằng tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng trong thười kỳ đại dịch, vì thế ABAC ủng hộ việc xây dựng năng lực và cải cách cơ cấu, vốn là những điều cấp thiết để gia tăng quyền lực cho các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và các cộng đồng bản địa.
Ngoài ra, theo bà Taulelei, đại dịch còn cho thấy sự cần thiết phải trang bị tốt hơn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương để sẵn sàng cho thời đại kỹ thuật số.
Bà cho rằng cần phải nâng cao kỹ năng số cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hướng đến hoạt động thương mại kỹ thuật số có tính tương tác và không giới hạn./.