Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải tăng cường nỗ lực cải thiện chất lượng sống trên toàn khu vực để xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phục hồi nhanh hơn.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/5 đã đưa ra khuyến nghị trên, đồng thời nhấn mạnh con đường tiến bộ của khu vực phải ngày càng chú trọng việc đạt được thành công trong giáo dục, cụ thể là các môn học như đọc, toán và khoa học, dinh dưỡng cũng như đảm bảo người dân khu vực tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Winfried Wicklein nêu rõ khi khu vực thoát khỏi đại dịch, việc củng cố hệ thống y tế, nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện dinh dưỡng sẽ trang bị cho lực lượng lao động trẻ sự khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và cảm xúc, đồng thời cải thiện năng suất lao động.
[Các nước Đông Nam Á cần hợp tác để phục hồi sau đại dịch COVID-19]
Ông Wicklein nói thêm rằng thu nhập tăng cao, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh, cùng với những cải thiện về tài chính toàn diện và tỷ lệ sử dụng internet sẽ giúp khu vực lấy lại được những thành tựu phát triển đã mất đi trong đại dịch COVID-19.
Báo cáo của ADB cũng kêu gọi các nước ASEAN đầu tư vào kỹ năng số, cơ sở hạ tầng và tài chính để giảm chi phí kinh doanh và xây dựng một khu vực cạnh tranh hơn.
Theo báo cáo, các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 được thực hiện ở các quốc gia ASEAN đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực giảm 3,2% vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện lên 3,5% vào năm 2021 và tăng thêm lên 5,6% vào năm 2022./.