Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong hai ngày 17-18/11 tại thủ đô Phnom Penh, nước chủ nhà Campuchia phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sok Chenda Sophea kiêm Bộ trưởng phụ trách Chương trình Hợp tác GMS.
Hội nghị với chủ đề “Hội nhập sâu rộng, hòa đồng và bền vững hơn” có sự tham dự của bộ trưởng các nước GMS.
Đây là sự kiện nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7 diễn ra trong năm 2021 do Campuchia tổ chức.
Dẫn đầu đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 23 là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận và xem xét lại các văn kiện khung chiến lược mới dài hạn của khu vực GMS để cấp lãnh đạo bàn thảo và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7.
Các bộ trưởng cũng thảo luận về mục đích và nội dung một chương trình nghiên cứu sâu rộng nhằm hưởng ứng việc thực hiện chiến lược mới trong khu vực.
[Các thành phố tiểu vùng Mekong tăng cường hợp tác để thu hút du khách]
Hội nghị cũng xem xét những tiến bộ đã đạt được kể từ sau Hội nghị GMS lần trước, trong đó bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: vận tải, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại và công tác điều phối lĩnh vực vận tải, môi trường và y tế.
Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, khu vực GMS đã nhận được nhiều lợi ích qua việc củng cố cơ sở hạ tầng vận tải, mở rộng phạm vi, an ninh năng lượng, nâng cao sự phát triển bền vững.
Trong gần 3 thập kỷ qua, Chương trình Hợp tác GMS đã thu được nhiều thành tựu, trong đó có việc xây dựng và tu bổ 11.000km đường bộ, 500km đường sắt, 3.000km hệ thống đường dây điện và nâng cao năng lực sản xuất năng lượng, cung cấp cho hơn 200.000 gia đình.
Đồng thời, Chương trình Hợp tác GMS cũng cung cấp viện trợ kỹ thuật để nâng cao việc kết nối phần cứng và mềm thông qua điều phối thương mại và vận tải qua biên giới; việc điều chỉnh hệ thống y tế và kiểm dịch; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường; phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các nước GMS và ADB đã cùng nhau thảo luận về các thách thức, khó khăn của chương trình GMS trong bối cảnh khó lường, có nhiều biến đổi trong khu vực và trên thế giới, đó là cạnh tranh thương mại, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng.
Kết quả đáng ghi nhận của hội nghị là Chiến lược Hợp tác y tế khu vực GMS giai đoạn 2019-2023 đã chính thức được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 23.
Chiến lược 5 năm này sẽ đề ra cơ sở hướng dẫn cho hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề y tế đe dọa khu vực.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các nước thành viên GMS cũng như vai trò quan trọng của các đối tác phát triển, đặc biệt là ADB với tư cách là Ban Thư ký Chương trình GMS đã cung cấp nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ tri thức… để hỗ trợ các nước GMS đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị và mong muốn ADB và cộng đồng các đối tác phát triển tiếp tục hợp tác chặt chẽ, huy động các nguồn lực cần thiết để triển khai thành công Khung Đầu tư tiểu vùng 2022 (RIF) với 255 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 92 tỷ USD, trong đó cần khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào các chương trình Dự án khu vực GMS, góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực GMS thịnh vượng, toàn diện và bền vững trong tương lai.
Khu vực GMS bao gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc (đặc biệt là tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.
Năm 1992, với sự trợ giúp của ADB trên cơ sở yếu tố lịch sử, văn hóa, 6 quốc gia trong khu vực GMS bắt đầu Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng để nâng cao quan hệ kinh tế.
Chương trình Hợp tác GMS mở rộng tập trung trên các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp, năng lượng, môi trường, y tế, phát triển nhân lực, công nghệ thông tin, du lịch, vận tải, điều phối, vận tải và thương mại, phát triển đô thị và kinh tế vùng biên giới.
Kể từ khi được thành lập năm 1992, Chương trình Hợp tác GMS đã đầu tư gần 23 tỷ USD vào các dự án trên toàn khu vực và các hệ thống vận tải, năng lượng xuyên biên giới, hạ tầng cơ sở du lịch và phòng chống dịch bệnh./.