Hai ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom đẫm máu tại một đám cưới khiến hàng trăm người thương vong, ngày 19/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã cam kết xóa sổ tất cả nơi trú ẩn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuyên bố của Tổng thống Ghani được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập.
Hiện nhiều người đã tỏ ý hoài nghi liệu một thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt gần 18 năm qua có mang lại hòa bình cho người dân Afghanistan hay không.
Trong khi đó, đại diện Mỹ tham gia đàm phán với Taliban nhấn mạnh tiến trình hòa bình cần được đẩy nhanh nhằm giúp Afghanistan đánh bại IS.
[Quốc tế lên án vụ đánh bom thảm khốc tại thủ đô Afghanistan]
Trước đó một ngày, trên tài khoản Twitter, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" vụ tấn công khủng bố nhằm vào hội trường tổ chức đám cưới ở thủ đô Kabul của Afghanistan tối 17/8 vừa qua.
Ông khẳng định Mỹ "luôn đồng hành với chính phủ và người dân Afghanistan."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng ra tuyên bố về vụ tấn công nêu trên, khẳng định: "Mỹ lên án vụ tấn công hèn hạ (của IS) nhằm vào đám cưới ở Kabul ngày 17/8. Người dân Afghanistan xứng đáng được hưởng một tương lai không khủng bố. Vì vậy đã đến lúc toàn bộ người dân Afghanistan cần tham gia tiến trình hòa bình và xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa (IS)."
Vụ đánh bom trên xảy ra tại khu vực cộng đồng Hazara có người Hồi giáo dòng Shi'ite sinh sống, ở phía Tây thủ đô Kabul, khiến 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương. IS đã nhận là thủ phạm vụ tấn công.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Taliban và Mỹ đang nỗ lực thương lượng một thỏa thuận để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết tiến hành đối thoại an ninh và hòa bình với Chính phủ Afghanistan.
An ninh bất ổn hiện vẫn là thách thức lớn đối với Afghanistan. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2018 là năm đẫm máu nhất tại Afghanistan, khi có ít nhất 3.804 dân thường thiệt mạng trong các vụ bạo lực, trong đó có 927 trẻ em.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, các cuộc giao tranh tại đây đã khiến hơn 217.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khiến vấn đề cứu trợ nhân đạo trở nên cấp bách trên cả nước./.