Afghanistan: Taliban cam kết bảo vệ an ninh cho phái bộ EU tại Kabul

Chính quyền Taliban cam kết đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán và nhân viên EU tại Kabul, giống như đại sứ quán các nước khác tại Afghanistan.
Afghanistan: Taliban cam kết bảo vệ an ninh cho phái bộ EU tại Kabul ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chính quyền Taliban Abdul Qahar Balkhi. (Nguồn: aljazeera.com)

Ngày 25/10, chính quyền Afghanistan do Taliban lãnh đạo cam kết đảm bảo an ninh cho tất cả các phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) ở Kabul, trong bối cảnh EU đang thận trọng cân nhắc việc quay lại quốc gia Tây Nam Á này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chính quyền Taliban Abdul Qahar Balkhi cho biết mở lại phái bộ EU sẽ là “bước đi mạnh mẽ, tích cực, và chúng tôi hoan nghênh điều đó.”

Ông đồng thời khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán và nhân viên EU tại Kabul, giống như đại sứ quán các nước khác tại Afghanistan.

Tuần trước, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của châu Âu Josep Borrell vừa cho biết các nước EU đã nhất trí rằng “EU cần thiết phải có sự hiện diện tối thiểu ở Kabul để hỗ trợ người dân Afghanistan và đảm bảo cho việc di chuyển những người Afghanistan đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với sự công nhận của EU (đối với chính quyền Taliban).”

Trước đó, tờ Financial Times đưa tin phái bộ EU tại Kabul có thể được mở lại sau 1 tháng.

[Nga không chính thức công nhận Taliban vào thời điểm hiện tại]

Trong diễn biến liên quan, ngày 25/10, Nga hối thúc phương Tây nối lại tiếp xúc với chính quyền Talibanl, đồng thời kêu gọi và các nước thuộc EU mở lại đại sứ quán ở Afghanistan.

Moskva cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng các hoạt động buôn bán ma túy và khủng bố ở quốc gia Tây Nam Á này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Nga tổ chức Hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva vào tuần trước, tại đó Taliban đã nhất trí phối hợp với Nga, Trung Quốc và Iran để thúc đẩy an ninh trong khu vực.

Phát biểu với báo giới ngày 25/10, Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan - ông Zamir Kabulov, cho rằng các nước EU “không nên rời khỏi Afghanistan,” và giờ là thời điểm để các nhà ngoại giao châu Âu quay trở lại quốc gia Tây Nam Á này.

Quan chức trên kêu gọi các nước phương Tây đối thoại với Taliban để ngăn chặn nguy cơ Afghanistan rơi vào hỗn loạn, đồng thời cảnh báo các biện pháp cắt giảm viện trợ sẽ "hoàn toàn phản tác dụng.”

Theo ông, người dân Afghanistan có thể sẽ tham gia các hoạt động buôn bán ma túy, khủng bố và buôn lậu vũ khí để mưu sinh. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi của Nga về việc dỡ bỏ phong tỏa các tài sản tài chính của Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.