Ngày 29/8, kênh truyền hình TOLOnews dẫn lời quyền Bộ trưởng Giáo dục Đại học Afghanistan do Taliban bổ nhiệm, ông Abdul Baqi Haqqani, thông báo nam sinh viên và nữ sinh viên tại Afghanistan sẽ học trong các lớp riêng biệt.
Phát biểu tại một hội nghị về giáo dục bậc cao tại thủ đô Kabul, ông Haqqani tuyên bố nữ giới có quyền được học tập, nhưng không thể học cùng lớp với các bạn nam.
Ông cũng cam kết các trường đại học sẽ sớm mở cửa trở lại, các giảng viên và nhân viên của bộ sẽ được trả lương. Hội nghị trên đã quy tụ nhiều giáo sư đại học, viện sỹ và các quan chức giáo dục trong chính quyền cũ.
Quyền của phụ nữ dưới thời Taliban nắm quyền tại Afghanistan vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Đầu tháng này, Taliban nói rằng phụ nữ sẽ được phép học tập và làm việc cũng như tham gia các hoạt động của chính phủ.
Hôm 24/8, Taliban cho hay các nữ công chức có thể tiếp tục công việc của họ sau khi các quy định cần thiết được ban hành.
Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc và các nguồn tin báo chí, Taliban đã cấm phụ nữ ở một số vùng ở Afghanistan làm việc hoặc ra khỏi nhà mà không có người thân là nam giới đi cùng.
[Taliban cho phép các nước tiếp tục chiến dịch sơ tán sau ngày 31/8]
Sau khi phong trào Hồi giáo Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi lực lượng này đảm bảo duy trì các quyền của nữ giới cũng như các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền được giáo dục.
Trong quá khứ, khi lãnh đạo Afghanistan giai đoạn 1996-2001, Taliban đã áp dụng luật Hồi giáo Sharia, trong đó có một số quy định cơ bản như nam giới buộc phải để râu, không uống rượu bia; phụ nữ chỉ được ra đường khi có người thân là nam giới đi cùng, phải che kín mặt, không được trang điểm.
Giai đoạn này, đa số trẻ em gái không được đến trường. Nhiều điều khoản hà khắc khác đối với phụ nữ cũng được áp dụng như không được đi giày cao gót, không được phép quay phim hay trưng bày những hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà.
Tất cả những người phụ nữ vi phạm có thể bị đánh đòn ngay trên phố, sân vận động, ngay cả khi họ ra khỏi nhà không có đàn ông đi cùng vì họ không có người thân nào là đàn ông.
Một lực lượng “cảnh sát đạo đức” được Taliban lập ra để xử lý sai phạm. Những ai vi phạm bị trừng phạt công khai bằng hình thức đánh đòn, ném đá. Với phụ nữ, mắc lỗi đôi khi sẽ khiến họ trả giá bằng mạng sống.
Hiện tại, trong khi có khoảng 50 quốc gia trên thế giới chấp nhận một số phần của luật Sharia, chỉ có 8 quốc gia trên thế giới có hệ thống luật hình sự và cá nhân hoàn toàn dựa trên Sharia./.