Ngày 31/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Afghanistan.
Trong tuyên bố đưa ra sau khi các lực lượng Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan, ông Guterres nêu rõ: “Vào ngày Afghanistan bước vào một giai đoạn mới, tôi muốn bày tỏ sự lo ngại của mình về cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc tại nước này cũng như nguy cơ các dịch vụ cơ bản sụp đổ hoàn toàn.”
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, 18 triệu người Afghanistan, chiếm gần một nửa dân số nước này, cần được viện trợ nhân đạo để sống sót. Cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người không có tiền để mua thực phẩm cho ngày hôm sau.
Ước tính, hơn một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vào năm tới trong khi mỗi ngày người dân Afghanistan mất dần sự tiếp cận với các hàng hoá và dịch vụ cơ bản. Ông Guterres nêu rõ: “Một thảm hoạ nhân đạo sắp xảy ra ở nước này.”
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, trẻ em, phụ nữ và nam giới ở Afghanistan tại thời điểm này rất cần sự hỗ trợ và sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế.
[Bộ Tài chính Mỹ cấp phép cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo dân Afghanistan]
Trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng và mùa Đông khắc nghiệt sắp tới, ông Guterres cho rằng cần viện trợ gấp thêm lương thực, lều trú tạm và vật tư y tế cho Afghanistan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Afghanistan tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận an toàn và không trở ngại hàng viện trợ bảo vệ và duy trì sự sống cũng như bảo đảm an toàn cho toàn bộ nhân viên nhân đạo.
Theo kế hoạch, Liên hợp quốc trong tuần tới sẽ công bố chi tiết những nhu cầu nhân đạo cấp thiết và kêu gọi hỗ trợ tài chính trong 4 tháng tới cho Afghanistan trong lời kêu gọi viện trợ khẩn cấp.
Cùng ngày, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột, bà Pramila Patten đã kêu gọi ban lãnh đạo Taliban cho phụ nữ tham gia vào cơ cấu quản trị sắp tới ở nước này.
Trong một tuyên bố, bà Patten nêu rõ; “Tôi lưu ý tới những cam kết mà người phát ngôn Taliban đưa ra ủng hộ quyền của phụ nữ ‘trong khuôn khổ Hồi giáo,’ bao gồm quyền làm việc và theo đuổi giáo dục cao hơn và đóng một vai trò tích cực trong xã hội cũng như quyền đi học của bé gái. Việc cho phụ nữ tham gia vào cơ cấu quản trị của ban lãnh đạo mới ở Afghanistan sẽ là phép thử cuối cùng đối với Taliban.”
Bà Patten nhấn mạnh rằng sự phát triển toàn diện và đầy đủ của Afghanistan và sự nghiệp hoà bình ở nước này cần sự tham gia bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả đời sống chính trị và phục vụ xã hội. Sự tham gia đầy đủ của phụ nữ đóng vai trò quan trọng không chỉ vì trao quyền cho phụ nữ mà còn vì sự tiến bộ của xã hội nói chung.
Theo bà Patten, ban lãnh đạo Taliban phải có các biện pháp quyết liệt cho phụ nữ có quyền ra quyết định ở mọi cấp, ở cả trong nước và trên thế giới, để họ có thể tiếp tục đóng góp cho các mục tiêu bình đẳng, phát triển và hoà bình”./.