Afghanistan và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc

Theo tạp chí chính trị Cicero của Đức, sau 20 năm can thiệp, Mỹ đã rời bỏ đất nước Afghanistan như một kẻ thất bại và đang để lại khoảng trống quyền lực lớn tại quốc gia này.
Afghanistan và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc ảnh 1Các thành viên Taliban tuần tra trên một tuyến phố ở thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tạp chí chính trị Cicero của Đức mới đây đăng bài phân tích về tình hình Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền, nội dung chính như sau:

Sau 20 năm can thiệp, Mỹ đã rời bỏ đất nước Afghanistan như một kẻ thất bại và đang để lại khoảng trống quyền lực lớn tại quốc gia này. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga và Iran đang cố gắng lấp đầy khoảng trống đó. Mỗi quốc gia đều mong muốn đạt được lợi ích riêng. Điều này khó có thể mang lại sự tốt lành cho tương lai của Afghanistan.

Afghanistan không phải là một quốc gia dễ bị khuất phục bằng vũ lực. Địa hình đồi núi hiểm trở khiến các đội quân nước ngoài dù hùng mạnh đến đâu cũng khó có thể chiếm đóng lâu dài lãnh thổ quốc gia này.

Sau 20 năm can thiệp, ngay cả Mỹ cũng không thể làm thay đổi vĩnh viễn Afghanistan theo ý của mình. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ hơn cùng chia sẻ các giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo với người Afghanistan có thể đạt được mục tiêu của họ tại đất nước này dễ dàng hơn các quốc gia quá khác biệt về mặt văn hóa.

Sau khi Mỹ rút quân, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia có quan hệ lịch sử, văn hóa gần gũi với Afghanistan - sẽ là những nhân tố cạnh tranh mạnh mẽ nhất để giành ảnh hưởng đối với Kabul. Có thể nói, tình hình an ninh và chính trị bất ổn ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân là một thách thức lớn đối với Iran và là cơ hội tốt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hòa bình và ổn định lâu dài là điều khó có thể đạt được tại quốc gia Tây Nam Á này.

Các mục tiêu của Tehran

Mối quan hệ giữa Iran và Afghanistan đã thay đổi kể từ năm 1722, khi người Afghanistan tiến quân xâm lược Ba Tư và chiếm đóng thủ đô Isfahan của đế chế Safavid. Sau khi người Afghanistan bị đánh bại năm 1730, mối quan hệ giữa hai bên thường xuyên trong trạng thái căng thẳng cho tới khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị năm 1921.

Ngày nay, Iran và vị tân Tổng thống theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi của nước này dường như quyết tâm mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực, đặc biệt là đối với Afghanistan cũng như các nước Trung Á, Caucasus, Đông Địa Trung Hải và Vịnh Persian.

[Tình hình Afghanistan: Taliban kêu gọi người dân ngừng biểu tình]

Tehran rất muốn trở thành đối tác kinh tế quan trọng hơn của Afghanistan và hy vọng sẽ tạo dựng mối quan hệ tốt với Taliban, tương tự như mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Bắc Cyprus. Tuy nhiên, tư tưởng tôn giáo khó dung hòa giữa hai bên và sự hợp tác của Iran trong chiến dịch quân sự của Mỹ năm 2001 tại Afghanistan có thể sẽ là những trở ngại đáng kể cho mong muốn này.

Iran đã cho phép Taliban mở văn phòng đại diện tại một số thành phố ở nước này và cung cấp nhà ở cho gia đình của nhiều thủ lĩnh Taliban. Tuy nhiên, người Afghanistan không hoàn toàn tin tưởng Iran. Thực tế, Iran rất lo ngại sự trỗi dậy của Taliban, mặc dù công khai bày tỏ sự vui mừng khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Iran muốn một đất nước Afghanistan "yếu đuối" do Taliban lãnh đạo, vừa để Kabul phải phụ thuộc vào Tehran, vừa ngăn cản các kế hoạch can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đảm bảo duy trì nguồn nước ngọt từ sông Helmand cho các khu vực biên giới khô cằn của Iran.

Tehran không tin Taliban có thể thống trị toàn bộ đất nước, họ có mưu đồ sâu xa thành lập một lực lượng dân quân trung thành với Tehran, tương tự như lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq. Tehran đã tránh công khai chỉ trích Taliban với hy vọng có thể đóng vai trò như một người xây dựng hòa bình ở Afghanistan.

Họ thậm chí còn khuyến khích các phương tiện truyền thông địa phương ca ngợi Taliban đã lập chiến công đánh đuổi quân đội Mỹ khỏi đất nước này. Chính phủ Iran thể hiện mình là một đối tác tốt của Afghanistan; họ đã cung cấp nguồn năng lượng khẩn cấp cho quốc gia này để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế sau khi quân đội Mỹ và phương Tây rút đi.

Tuy nhiên, ít nhất cũng có một người phản đối chủ trương của Tehran đối với Taliban: tháng trước, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết người dân Iran không ủng hộ chính sách của Tehran đối với Afghanistan. Ông cho rằng Tehran nên sử dụng nguồn lực mỏng manh hiện có của mình để đầu tư phát triển nền kinh tế của chính Iran.

Hy vọng của Ankara

Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ cách rất xa Afghanistan. Điều này hoàn toàn khác Iran - quốc gia có đường biên giới dài 900 km với Afghanistan. Tuy nhiên, Ankara nhận thấy cơ hội tốt để tạo ảnh hưởng tại đất nước đầy bất ổn này. Mặc dù Taliban đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được duy trì lực lượng quân sự 500 người của họ ở Kabul sau ngày 31/8, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng ông có thể xử lý tốt vấn đề này thông qua trung gian Qatar - quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Taliban.

Afghanistan và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc ảnh 2Các tay súng và phiến quân Taliban trên một ngọn đồi tại Maydan Shahr thuộc tỉnh Wardak, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, Taliban đã cam kết sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trong khu vực lân cận, ngoại trừ Ấn Độ (do cách đối xử của Ấn Độ với người Hồi giáo). Việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào Afghanistan nằm trong chiến lược của Ankara nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Washington.

Lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lực lượng này cũng có thể làm trung gian hòa giải giữa Taliban và Washington.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng 10 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan tại Mỹ. Washington cũng đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) không cho phép Kabul tiếp cận khoản tiền 440 triệu USD cho đến khi quốc gia này đáp ứng các điều kiện nhất định. Do nhu cầu ngân sách cấp bách, Taliban có thể sẵn sàng đối thoại với một bên trung gian hòa giải như Ankara.

Mục tiêu quan trọng của Mỹ và phương Tây

Đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Afghanistan. Washington muốn làm chậm lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và ngăn cản Nga khôi phục ảnh hưởng đã mất ở Trung Á. Mỹ coi các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở khu vực Nam và Trung Á là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của mình. Khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, vai trò của Afghanistan sẽ ngày càng tăng.

Quan điểm của Trung Quốc và Nga

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm thủ đô Islamabad của Pakistan và khởi động hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Dự án này là một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh và vấp phải rất nhiều phản ứng trái chiều ở Pakistan.

Mỹ coi cuộc tranh cãi trong nội bộ Pakistan về hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là cơ hội tốt để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đưa Pakistan trở lại phe của Mỹ.

Về phía Nga, mối quan tâm chính của Moskva ở Afghanistan là nguy cơ bất ổn tại đất nước này có thể lan rộng sang Nga - đặc biệt là các khu vực như Chechnya, Dagestan và Tatarstan - cũng như các nước láng giềng ở Trung Á như Tajikistan và Uzbekistan.

Afghanistan và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc ảnh 3Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét Taliban tại tỉnh Laghman. (Ảnh: THX/TTXVN)

Viễn cảnh các tiểu vương quốc Hồi giáo ở những quốc gia và khu vực này được thành lập, tách khỏi quốc gia hiện tại, tương tự như tại Afghanistan do Taliban tự xưng, không phải không thể xảy ra. Iran cũng có những lo ngại tương tự ở khu vực Balochistan, nơi sinh sống của cộng đồng người Sunni đông đảo và đang gặp nhiều khó khăn.

Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sức ép đối với các quốc gia tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông và Trung Á (Nga, Trung Quốc, Iran và Saudi Arabia) qua việc tìm cách tác động đến chính sách đối ngoại của Taliban. Duy trì mức độ "quyền lực mềm" nhất định ở Afghanistan sẽ làm tăng uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO và mở ra một chương mới trong quan hệ với Mỹ.

Erdogan đã cố gắng chứng minh rằng đất nước của ông có vai trò và vị thế tốt để hòa giải với Taliban. Gần đây, ông khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "quốc gia đáng tin cậy duy nhất còn lại" có thể giúp ổn định tình hình Afghanistan. Tuy vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á khiến nhiều người tại nước này lo lắng.

Họ cho rằng những hoạt động này tiêu tốn quá nhiều nguồn lực quốc gia, có thể dẫn tới làm suy yếu nền kinh tế trong nước. Ankara không chỉ cử lực lượng quân sự can dự vào các điểm nóng như Libya, Syria và Iraq mà còn thiết lập các căn cứ quân sự ở Qatar, Somalia hoặc đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái.

Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập đã chỉ trích gay gắt chính sách của Tổng thống Erdogan đối với Afghanistan và kêu gọi rút quân ngay lập tức khỏi nước này. Các đối thủ của Erdogan cho rằng ông muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào "vũng lầy" Afghanistan và thay thế vai trò của Mỹ tại nước này. Tuy nhiên, dường như tất cả những điều đó không làm Erdogan thay đổi quan điểm.

Tình trạng vô chính phủ và nội chiến có thể sẽ sớm quay trở lại Afghanistan. Đối với đại đa số người dân nước này, tương lai của đất nước dường như chỉ toàn một màu xám xịt. Việc có quá nhiều sắc tộc, giáo phái cùng tồn tại và thường xuyên mâu thuẫn cũng là một thách thức rất lớn, khó có thể tạo ra một ý thức quốc gia thống nhất, đoàn kết.

Lúc này, nhiều cường quốc bên ngoài đang ra sức tranh giành ảnh hưởng đối với Kabul, trong khi Taliban đang cố gắng thiết lập một tiểu vương quốc Hồi giáo và thống trị đất nước theo đường lối riêng của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.