Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry ngày 4/1 đã bày tỏ lập trường ủng hộ Saudi Arabia trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Iran, sau khi Saudi Arabia hành quyết 47 phạm nhân, trong đó có giáo sỹ Hồi giáo dòng Shii'te Nimr al-Nimr hôm 2/1.
Phát biểu bên lề cuộc họp của Hội đồng Phối hợp Ai Cập-Saudi Arabia tại thủ đô Cairo, ông Shoukry nhấn mạnh quyết định của Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran là nhằm "bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của mình," đồng thời cho biết Cairo cũng từng chấm dứt quan hệ ngoại giao với Tehran cách đây 27 năm.
Theo ông Shoukry, sự can thiệp của Iran vào các vấn đề nội bộ của Saudi Arabia là không thể chấp nhận được và không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định an ninh của Saudi Arabia là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự ổn định của Ai Cập và ngược lại.
Sau khi Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nhằm phản ứng lại một loạt vụ tấn công nhằm vào các phái bộ ngoại giao của Riyadh ở quốc gia Hồi giáo, Bahrain và Sudan cũng quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Tehran và yêu cầu Đại sứ Iran cùng toàn thể phái bộ rời khỏi các nước này trong 48 giờ, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hạ cấp quan quan hệ ngoại giao với Iran từ cấp Đại sứ xuống Đại biện lâm thời.
Vụ hành quyết giáo sỹ Nimr al-Nimr của chính quyền Saudi Arabia đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Iran cũng như cộng đồng Hồi giáo dòng Shi'ite. Biểu tình đã nổ ra tại nhiều nơi ở khu vực Trung Đông.
Hàng trăm người Hồi giáo dòng Shi'ite ở Iraq đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Baghdad và một số thành phố phía Nam nước này để phản đối vụ hành quyết giáo sỹ Nimr al-Nimr.
Theo truyền thông khu vực Trung Đông, ít nhất hai nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq đã bị tấn công khiến 2 người thiệt mạng.
Trong một diễn biến liên quan, trang tin điện tử ibtimes (Mỹ) cho biết sự đổ vỡ trong quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran đang đẩy giá dầu mỏ đi lên giữa những lo ngại rằng một cuộc xung đột có thể làm đình trệ các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ hoặc cản trở các tuyến giao thương trong khu vực.
Tuy nhiên, báo trên dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng sự gián đoạn nguồn cung quy mô lớn sẽ không xảy ra trong ngắn hạn, vì thị trường toàn cầu đang dư thừa nguồn cung và cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp để bảo vệ các tuyến trung chuyển quan trọng.
Bất ổn chính trị có nguy cơ làm gia tăng nguy cơ xung đột gần khu vực Eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ xuất khẩu quan trọng nhất thế giới.
Khoảng 16 triệu thùng dầu được vận chuyển qua tuyến này mỗi ngày, chiếm 20% tổng khối lượng chuyên chở dầu xuất khẩu trên thế giới.
Bất kỳ sự phong tỏa nào đối với Eo biển Hormuz đều có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Do đó, các quốc gia khác chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ các nguồn cung và tránh một cuộc suy thoái toàn cầu.
Tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc và những nước châu Âu sẽ không do dự khi tính đến việc giữ eo biển này./.