Ngày 22/10, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết cuộc xung đột tại Gaza đang khiến nền kinh tế Palestine bị tác động nặng nề.
Hiện quy mô nền kinh tế giảm hơn 35% so với thời điểm cách đây 1 năm, trước khi xảy ra xung đột. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế tại Gaza đã quay trở về mức của những năm 1950.
Đó là nội dung một nghiên cứu mới về các tác động kinh tế-xã hội của cuộc xung đột tại Gaza mà UNDP thực hiện.
Theo chuyên gia Chitose Noguchi, Phó đại diện của chương trình hỗ trợ cho người Palestine, thuộc UNDP, tỷ lệ nghèo tại Gaza hiện đã lên tới 100%, tỷ lệ thất nghiệp là 80%.
Bà Noguchi cho biết: “Nhà nước Palestine đang chứng kiến mức độ thụt lùi về kinh tế chưa từng thấy. Đối với Gaza, tình hình đã đảo ngược 70 năm, trở về năm 1955."
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Trung Đông - Bắc Phi được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ để lại những hậu quả lâu dài ở Gaza.
Tình trạng mất an ninh lương thực ở Gaza đã trở nên rất nghiêm trọng, với 15% trong số 2 triệu dân Gaza đang phải đối mặt với nạn đói.
Ngoài ra, 90% trẻ em dưới hai tuổi và 95% phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cùng cực.
WB cũng cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đã tạo ra một "bóng đen rộng lớn" bao trùm lên triển vọng kinh tế của khu vực./.
WB cảnh báo Dải Gaza và Bờ Tây đối mặt với khủng hoảng kinh tế chưa từng có
Hồi đầu năm nay, WB và Liên hợp quốc đánh giá tổng thiệt hại về các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Gaza ước vào khoảng 18,5 tỷ USD và nền kinh tế của Gaza đã giảm 86% trong quý 2/2024.