Thêm nhiều cơ hội tạo đột phá về xuất khẩu cho trái dừa Việt Nam

Với lợi thế về chất lượng và là trái cây sạch tự nhiên, trái dừa tươi Việt Nam được kỳ vọng có thêm nhiều cơ hội đột phá về xuất khẩu trong thời gian tới.

Chế biến đóng gói dừa xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Chế biến đóng gói dừa xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Bật lên như một hiện tượng xuất khẩu, trái dừa tươi Việt Nam đang được nhiều thị trường tiêu thụ như Mỹ, Trung Quốc, Anh... đã tạo nên điểm sáng xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Với lợi thế về chất lượng và là trái cây sạch tự nhiên, trái dừa tươi Việt Nam được kỳ vọng có thêm nhiều cơ hội đột phá về xuất khẩu trong thời gian tới.

Nhiều thị trường đón nhận

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cây dừa được trồng ở 15 tỉnh với diện tích 200.000ha, sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm.

Trái dừa tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 15 thị trường trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn.

Để trái dừa phát huy được thế mạnh là loại trái cây sạch tự nhiên, thời gian bảo quản lâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán nghị định thư với Trung Quốc cho trái dừa tươi từ năm 2016, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Trái dừa tươi bắt đầu được thị trường các nước phương Tây biết đến vào năm 2017, bằng 1 container dừa tươi mời người tiêu dùng tại Mỹ sử dụng thử. Bởi thời điểm này, thị trường Mỹ chỉ mới biết đến trái dừa Thái Lan.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, người tiên phong đưa trái dừa Việt Nam sang Mỹ đã nhanh chóng gặt hái thành công, bằng sự đón nhận và đặt hàng đưa trái dừa tươi sang thị trường này.

ttxvn_dua tuoi (2).jpg
Sơ chế dừa tươi (dừa uống nước) xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, dừa tươi Việt Nam ngọt, vị thanh mát của giống dừa xiêm "lọt mắt xanh" thị trường Mỹ và nhanh chóng được các thị trường châu Âu, Canada và Hàn Quốc đón nhận. Mới đây nhất là thị trường Trung Quốc cũng đã cấp mã số xuất khẩu cho trái dừa tươi Việt Nam.

Khi sử dụng công nghệ bảo quản tốt, thời gian bảo quản có thể tới 70 ngày, trái dừa tươi Việt Nam vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng.

Vina T&T đã ký được hợp đồng với 2 doanh nghiệp Trung Quốc và cũng đã có những container dừa tươi đầu tiên xuất đi sang thị trường này.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ hàng năm, Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ dừa tươi, còn lại phục vụ chế biến.

Nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho trái dừa của Việt Nam.

Sau khi nghị định thư ký kết, sản phẩm dừa tươi của Việt Nam sẽ được xuất khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Cụ thể, dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn ≦ 5cm và dừa không có vỏ), phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Làm bệ phóng cho trái cây

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, trái dừa tươi được xếp vị trí thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trái cây, sau sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít. Ước tính trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 120 triệu USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả trái cây Việt Nam ước đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

ttxvn_dua tuoi (3).jpg
Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Trong các mặt hàng, trái sầu riêng vẫn chiếm ưu thế về xuất khẩu, khoảng 2,7 tỷ USD, thanh long gần 450 triệu USD, sau đó đến các loại trái cây, chuối, xoài, mít và trái dừa tươi.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao trong các tháng vừa qua, ngành hàng rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu có thể chạm mốc 7 tỷ USD trong năm nay.

Với sự bật lên của trái dừa tươi, ngành trái cây có thêm nhiều cơ hội tăng tốc và bứt phá về xuất khẩu, có thể sớm cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong thời gian tới như kỳ vọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với lợi thế về các nghị định thư xuất khẩu dừa tươi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang nhắm vào mặt hàng này để tăng thêm lợi thế.

Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ cho đến nay trái dừa tươi Việt Nam mới được nhiều thị trường chú ý là vì trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ mang trái dừa đi cạnh tranh bằng giá tại thị trường thế giới, thay vì phải cạnh tranh bằng chất lượng, vị ngọt, ngon, thơm mát của trái dừa.

Kể từ khi người tiêu dùng thế giới biết được chất lượng của trái dừa Việt Nam không kém Thái Lan và một số quốc gia xuất khẩu dừa tươi, họ đã gia tăng sự lựa chọn sản phẩm dừa tươi Việt Nam.

Chính vì khẳng định được chất lượng, hiện trái dừa tươi Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp săn lùng để xuất khẩu. Cho đến thời điểm này, một số doanh nghiệp và kiếm được hợp đồng xuất khẩu 30-40 container dừa tươi cho đến cuối năm 2024.

Qua những kinh nghiệm tìm thị trường xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận, nếu muốn bất kỳ một sản phẩm nào phát triển và làm bệ phóng cho ngành hàng, thì phải chọn những sản phẩm chất lượng hàng đầu để giới thiệu với người tiêu dùng nước ngoài, bởi sản phẩm chính là thương hiệu của một ngành hàng nói riêng, của một quốc gia nói chung.

Chất lượng sản phẩm có thể thay thế cho hàng ngàn lời chào hàng để khách hàng đón nhận, trái dừa tươi cũng không ngoại lệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.