Ai Cập và Nga thảo luận hợp tác kinh tế, thúc đẩy dự án chung

Ngày 19/3, Tổng thống Ai Cập đã thảo luận với phái đoàn Nga về giải pháp phát triển quan hệ kinh tế song phương và thúc đẩy các dự án chung giữa hai nước.
Cuộc thảo luận giữa Ai Cập và Nga đề cập đến hợp tác trên lĩnh vực cung cấp ngũ cốc và lương thực, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 19/3 đã thảo luận với phái đoàn Nga về giải pháp phát triển quan hệ kinh tế song phương và thúc đẩy các dự án chung giữa hai nước.

Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách khu vực Trung Đông Mikhail Bogdanov đã dẫn đầu phái đoàn sang thăm quốc gia Bắc Phi.

Trong thành phần phái đoàn Nga còn có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga Denis Manturov.

Tại cuộc gặp ở Cairo với sự tham dự của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Rania Al-Mashat, Bộ trưởng Tài chính Mohammed Maait và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ahmed Samir, Tổng thống El-Sisi và các quan chức Nga đã tập trung thảo luận giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế dựa trên quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, thông qua các cơ chế hợp tác song phương khác nhau, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật Ai Cập-Nga.

[Ấn Độ nhập khẩu số lượng phân bón từ Nga lớn nhất trong 3 năm]

Hai bên cũng đề cập đến hoạt động đầu tư của Nga và các dự án chung ở Ai Cập, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia Bắc Phi do Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom của Nga xây dựng, cũng như kế hoạch thành lập khu công nghiệp của Nga trong Khu kinh tế Kênh đào Suez.

Cuộc thảo luận còn đề cập đến hợp tác trên lĩnh vực cung cấp ngũ cốc và lương thực, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Hai bên đã nêu bật những lợi ích chung của chính sách tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.

Bất chấp lời kêu gọi của các cường quốc phương Tây nhằm cô lập Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Ai Cập vẫn duy trì quan hệ với Nga, một phần được cho là để giảm thiểu tác động của cuộc xung đột này đối với nền kinh tế và an ninh lương thực của quốc gia Bắc Phi.

Cùng với nhiều nước Arab khác phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga, Cairo đã tìm cách tránh gây căng thẳng quan hệ với Moskva. Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, 85% lượng lúa mỳ nhập khẩu của Ai Cập có nguồn gốc từ cả Nga và Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục