Trang mạng washingtontimes.com đưa tin, theo giới chuyên gia phân tích chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là trung tâm của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ và lãnh đạo đảng Cộng hòa (GOP) sẽ nhận được lời nhiều chỉ trích nếu đảng này không chiếm được đa số ghế trong Quốc hội.
Tuần này, ông Trump đã gây xôn xao khi nói với hãng tin AP rằng mặc dù ông có thể vận động cho một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, song ông sẽ không chịu trách nhiệm nếu đảng này mất quyền kiểm soát tại Hạ viện.
Sau đó, ông đã phàn nàn về tiêu đề mà hãng tin AP đặt cho bài báo của họ khi nói rằng nó đã không được đặt trong bối cảnh.
Theo nhận định của giới phân tích, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 sẽ không mang lại điều tốt đẹp cho ông Trump.
Kyle Kondik, chuyên gia nghiên cứu bầu cử thuộc Trung tâm Chính trị của trường Đại học Virginia, nói: "Việc nắm giữ Nhà Trắng thường khiến đảng của tổng thống mất ghế tại Hạ viện. Theo đó, bất kỳ vị tổng thống nào cũng phải chịu trách nhiệm đáng kể về thất bại này."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của AP, Tổng thống Trump nói rằng ông tin là ông đang giúp đỡ-chứ không phải làm tổn thương-các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nơi ông từng tuyên bố rằng ông đã ủng hộ những người giành chiến thắng trong 48/49 cuộc đua mà ông tham gia.
"Tôi nghĩ rằng không ai có một ảnh hưởng kiểu như vậy... Một số người đã tăng được 40-50 điểm nhờ sự ủng hộ của tôi," ông Trump cho biết như vậy.
Các nhà phân tích cho rằng đó là sự thật-tổng thống là một lực lượng chính trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các cuộc tổng tuyển cử-nơi toàn bộ cử tri bao gồm người của đảng Dân chủ và các cử tri độc lập, lại khác.
Trong các cuộc thăm dò dư luận, đa số họ nói rằng họ không ủng hộ ông Trump và nhiều người tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu để gửi một thông điệp chống Tổng thống Trump.
[Cử tri Mỹ muốn đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Quốc hội]
Các đảng của các đời tổng thống Mỹ thường mất ghế tại Hạ viện trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, chỉ có Tổng thống Clinton hồi năm 1998 và Tổng thống George W. Bush hồi năm 2002 không theo xu hướng đó kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, các tổng thống khác như George H.W. Bush năm 1990 đã xoay sở để hạn chế tổn thất.
Vì vậy, có một câu hỏi khá thú vị là liệu Trump sẽ làm tốt hơn hay tệ hơn những người tiền nhiệm của ông? James E. Campbell, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Buffalo, đang điều hành một mô hình dự đoán bầu cử và dự báo đảng Cộng hòa sẽ mất trung bình 44 ghế. Và điều đó "hoàn toàn" liên quan đến ông Trump.
"Nếu ông Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ cao từ khoảng 60% trở lên như Tổng thống Clinton từng nhận được hồi năm 1998 và Tổng thống G.W.Bush hồi năm 2002, các nghị sỹ đảng Cộng hòa có thể sẽ không phải chứng kiến sự thất bại, chắc chắc là sẽ không phải chịu mất mát lớn," giáo sư Campell nói.
Theo giáo sư Campbell, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump đang dao động ở mức của Tổng thống Obama năm 2010, Tổng thống Clinton năm 1994, Tổng thống Reagan năm 1982, và Tổng thống Carter năm 1978.
Các tổng thống này mỗi người đều phải chứng kiến đảng của họ mất ít nhất 15 ghế và thậm chí lên tới 50 ghế. Nếu để mất 23 ghế vào tay đảng Dân chủ hoặc các ứng cử viên độc lập, đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát tại Hạ viện sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
John Couvillon, chuyên gia thăm dò dư luận ở bang Louisiana và là nhà phân tích dữ liệu, dự báo GOP sẽ mất từ 20-70 ghế.
Theo chuyên gia này, vấn đề lớn nhất đối với GOP là 40 ghế hoặc khoảng đó được chia theo khu vực, nơi ông Trump đã nhận được dưới 50% số phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016.
Chuyên gia Couvillon nhận định: "Nếu bạn có một tổng thống nhận được tỷ lệ ủng hộ trung bình dao động ở mức khoảng 45%, tương tự 46% số phiếu mà ông ấy giành được trong cuộc bầu cử tổng thống, điều đó rất quan trọng nếu bạn là một ứng cử viên của đảng Cộng hòa tại khu vực bầu cử có thể thay đổi ý kiến và bạn đang cố gắng vượt lên tổng thống của đảng mình."
Thậm chí, có thể biết uy tín của tổng thống thấp ở mức độ nào ngay trước ngày bầu cử. Ở nhiều bang, các cử tri có thể bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu vắng mặt trong khi chiến dịch tranh cử vẫn còn vài tuần nữa mới kết thúc. Khoảng 2 đến 3 triệu lá phiếu có thể đã được bỏ, ông Couvillon cho biết.
Và mặc dù có thể chưa biết được số phiếu kiểm chính xác, tỷ lệ cử tri đi bầu giữa những người ủng hộ đảng Cộng hòa và những người của đảng Dân chủ tại các điểm bỏ phiếu sớm đó sẽ làm sáng tỏ đảng nào hăng hái đi bỏ phiếu hơn.
Theo đánh giá dựa trên tỷ lệ cử tri của các đảng đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ, giáo sư Couvillon cho biết năm nay đang có xu hướng trở lại năm 2006, thời điểm có một làn sóng chống Tổng thống George W.Bush từ đảng Dân chủ, hơn là thời điểm năm 2010 hoặc 2014, khi xuất hiện các phong trào chống ông Obama.
Trong cuộc phỏng vấn của kênh CBS News hôm 17/10 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan - nghị sỹ đảng Cộng hòa đến từ bang Wisconsin, người sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay - bày tỏ tin tưởng rằng GOP đã đến đích và đang trên đà duy trì thế kiểm soát Hạ viện.
Về phần mình, Donald Trump, nói rằng ông cảm nhận được "nguồn năng lượng" trong các cử tri tương tự như năm 2016, khi đảng Cộng hòa bị mất ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện, nhưng vẫn giữ được thế đa số trong Quốc hội và cai quản Nhà Trắng.
Các nhà phân tích cho rằng năm nay sẽ khác. Không có bà Hillary Clinton tham gia tranh cử để cử tri phản đối - thay vào đó, ông Trump là gương mặt gây chia rẽ duy nhất và các đối thủ của Tổng thống xem ra có động cơ đặc biệt thúc đẩy để "sửa chữa sai lầm" của họ cách đây hai năm.
Và ông Trump rõ ràng không thể vượt quá 46% số phiếu phổ thông mà ông đã giành được trong năm 2016, do tỷ lệ ủng hộ ông đang ở dưới mức đó.
Theo ông Couvillon, "dù Tổng thống Trump muốn thừa nhận hay không, uy tín của tổng thống góp một phần lớn trong việc đảng của ông sẽ mất hay giành được ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ"./.