Nhân dịp Quốc hội Việt Nam đảm nhận cương vị chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) và đăng cai tổ chức AIPA lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến từ ngày 8-10/9, phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn Tiến sỹ Termsak Chalermpalanupap - chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) - về hội nghị, vai trò của Việt Nam trong ngoại giao liên nghị viện khu vực.
Đánh giá về vai trò của ngoại giao liên nghị viện khu vực trong việc tăng cường sự gắn kết và chủ động thích ứng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đối phó với những thách thức khu vực và quốc tế, đặc biệt là đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tiến sỹ Termsak nhận định AIPA có thể đóng một vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy các nhà lập pháp của các nước ASEAN tìm ra phương thức ứng phó với đại dịch COVID-19 một cách tập thể.
Ví dụ, ASEAN cần nghiên cứu đưa ra những đạo luật mới liên quan đến vấn đề đi lại và miễn cách ly cho những người thường xuyên phải di chuyển.
Theo ông, một vấn đề cấp bách khác mà nhiều xã hội ASEAN đang phải đối mặt là các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây lách luật trong nước để xúi giục bất đồng chính kiến dưới cái cớ quyền tự do ngôn luận.
[Nhiều nội dung sẽ được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41]
Các nhà lập pháp của các nước thành viên ASEAN trong AIPA cần cùng nhau tìm ra cách thức xây dựng các đạo luật chung mới để bảo vệ sự hòa hợp xã hội cũng như đánh thuế những nhà vận hành các nền tảng truyền thông xã hội sinh lợi cao này.
Đánh giá về những đóng góp của Quốc hội Việt Nam cho ngoại giao liên nghị viện khu vực, Tiến sỹ Termsak tin rằng các nhà lập pháp Việt Nam nhận thức được đầy đủ việc các cơ quan lập pháp của tất cả các nước thành viên ASEAN cần phối hợp các đạo luật trong nước và làm cho các đạo luật này hài hòa với những cam kết khu vực trong ASEAN.
Ngoài ra, theo ông, các nhà lập pháp cần phải nắm được tất cả các hiệp định của ASEAN đã được các nhà lãnh đạo và các vị bộ trưởng ký kết. Các hiệp định này không thể tự thực hiện mà chúng cần được phê chuẩn để mang tính ràng buộc pháp lý trong bối cảnh từng quốc gia./.