Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, sau nhiều tuần căng thẳng ngoại giao, ngày 8/6, Algeria đã đình chỉ "Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác" được ký kết vào năm 2002 với Tây Ban Nha, sau khi Madrid thay đổi hoàn toàn lập trường về vấn đề Tây Sahara, theo hướng ủng hộ quan điểm của Maroc.
Trong thông cáo báo chí chính thức, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cho rằng nhận thấy thái độ mới của các nhà chức trách Tây Ban Nha là "vi phạm các nghĩa vụ pháp lý, đạo đức và chính trị của mình", Algeria "quyết định đình chỉ ngay lập tức Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác được ký kết vào ngày 8/10/2002 với Vương quốc Tây Ban Nha, vốn là cơ sở giúp định hình sự phát triển của quan hệ giữa hai nước.
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Cấp cao Algeria do Tổng thống Abdelmadjid Tebboune chủ trì.
Hiệp ước giữa Tây Ban Nha và Algeria nhấn mạnh việc tăng cường đối thoại chính trị giữa hai nước ở tất cả các cấp, và phát triển hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục và quốc phòng.
Trước đó, vào ngày 18/3 vừa qua, Tây Ban Nha đã thực hiện một sự thay đổi quan điểm triệt để về vấn đề được cho là nhạy cảm, công khai ủng hộ lập trường của Maroc và khơi dậy sự tức giận của Algiers, quốc gia ủng hộ phong trào đòi độc lập Sahrawi của Mặt trận Polisario.
[Điều gì làm Tây Ban Nha lo ngại thỏa thuận khí đốt Italy- Algeria]
Algeria cho rằng thái độ của chính phủ Tây Ban Nha “vi phạm tính hợp pháp quốc tế” và “góp phần trực tiếp vào việc làm xấu đi tình hình ở Tây Sahara và trong khu vực.”
Sau khi Tây Ban Nha thay đổi quan điểm, Algiers đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Tây Ban Nha về nước và tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach đã đề cập đến việc tăng giá khí đốt mà Algeria đang bán cho Tây Ban Nha.
Các nguồn tin ngoại giao Tây Ban Nha cho biết chính phủ Tây Ban Nha lấy làm tiếc về quyết định mới nhất này của Algiers và cho biết thêm rằng Tây Ban Nha “coi Algeria là một quốc gia láng giềng thân thiện, đồng thời nhắc lại sự sẵn sàng tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Tây Sahara, một thuộc địa cũ của Tây Ban Nha được Liên hợp quốc coi là "lãnh thổ không tự trị", là nơi Maroc - quốc gia kiểm soát 80% đất đai - đang chống lại phe ly khai của Mặt trận Polisario trong nhiều thập kỷ./.