Anh và Đức ký thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và người đồng cấp Đức Boris Pistorius cho biết thỏa thuận sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia lẫn tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey (trái) và người đồng cấp Đức Boris Pistorius sau lễ ký tuyên bố phòng thủ chung tại Berlin ngày 24/7. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey (trái) và người đồng cấp Đức Boris Pistorius sau lễ ký tuyên bố phòng thủ chung tại Berlin ngày 24/7. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ngày 22/10, Chính phủ Anh công bố sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt với Đức nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực.

Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa hai quốc gia, vốn có mức chi tiêu lớn nhất tại châu Âu trong lĩnh vực này.

Thỏa thuận có tên Trinity House, dự kiến sẽ được ký kết vào ngày 23/10 tại London, Anh.

Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và người đồng cấp Đức Boris Pistorius cho biết thỏa thuận sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia lẫn tăng trưởng kinh tế.

Thỏa thuận sẽ cho phép máy bay săn tàu ngầm của Đức được hoạt động ngoài khơi bờ biển nước Anh, đồng thời “gã khổng lồ” vũ khí Đức Rheinmetall có thể mở một nhà máy sản xuất nòng pháo tại Anh và sử dụng thép của nước này.

Nhà máy dự kiến sẽ tạo ra hơn 400 việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cho phép hai nước cùng hợp tác phát triển vũ khí tấn công tầm xa với độ chính xác cao hơn so với các hệ thống hiện tại, chẳng hạn như tên lửa hành trình Storm Shadow.

Quân đội hai nước cũng sẽ cùng nhau tổ chức các chương trình huấn luyện quân sự thường xuyên hơn nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Healey nhận định thỏa thuận này là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời là sự tăng cường đáng kể cho an ninh châu Âu.

Về phần mình, Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh thỏa thuận là bằng chứng về việc bắt tay giữa hai quốc gia châu Âu trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tình hình an ninh khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.