Ngày 14/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023, khẳng định cam kết ASEAN tiếp tục tăng cường đoàn kết và thống nhất, cũng như tăng cường vai trò trung tâm của khối trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Phát biểu tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng ASEAN sẽ không trở thành “đấu trường cạnh tranh" hay lực lượng ủy nhiệm cho bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nhất quán.
Người đứng đầu quốc gia đông dân thứ tư thế giới khẳng định ASEAN có tiềm năng to lớn để trở thành tâm điểm tăng trưởng toàn câu, cả về lực lượng lao động dồi dào cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Ông Jokowi lưu ý rằng các nước ASEAN cần sự hiểu biết, trí tuệ cũng như sự hỗ trợ của cả các nước phát triển và các nước thân thiện để hướng tới cách tiếp cận vì lợi ích chung.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo Indonesia bày tỏ tin tưởng rằng sự tham gia của các nước vào chuỗi hội nghị AMM-56 là để tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và thế giới.
Từ ngày 11-14/7, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cùng các đối tác đã tiến hành họp 18 cuộc họp cấp bộ trưởng nhằm thảo luận và thống nhất hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó, việc thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm ASEAN 2023.
[AMM-56: Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự các cuộc họp giữa ASEAN và đối tác]
Tuyên bố chung của Hội nghị AMM-56 đưa ra ngày 13/7 đã phản ánh phần lớn những phát biểu nêu trên của Tổng thống Indonesia, trong đó ASEAN bày tỏ lo ngại về những căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh giá trị và các vấn đề liên quan của AOIP đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của ASEAN.
ASEAN sẽ thúc đẩy hơn nữa việc triển khai AOIP với các đối tác, thông qua các dự án và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
ASEAN khuyến khích các đối tác hỗ trợ và triển khai hợp tác thực chất, thiết thực và hữu hình với ASEAN, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc trong AOIP, trên 4 lĩnh vực chính đã được xác định là hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) 2030, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.
ASEAN tiếp tục tìm kiếm tiềm năng hợp tác giữa AOIP và các sáng kiến tương ứng trong các khuôn khổ Đối tác Đối thoại về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), các cơ chế ASEAN+1, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus).
ASEAN sẽ lần lượt thông qua các Tuyên bố chung giữa ASEAN và Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc (ROK) và Trung Quốc về AOIP.
ASEAN mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và giữa ASEAN với Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF) và sẽ được chính thức hóa bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43./.