AFP đưa tin, theo các hình ảnh vệ tinh được tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) công bố, Trung Quốc đang mở rộng các đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh khẳng định đã dừng hoạt động này 2 năm trước.
Trên website của mình, AMTI nêu rõ: “Các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc đã không kết thúc vào giữa năm 2015, khi nước này hoàn thành các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp đất lên phía Bắc, tại quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).”
["Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa hiện hữu"]
Theo AMTI, kể từ năm 2015, Trung Quốc đã nạo vét một cảng mới và bồi thêm 10 ha đất trên Đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa, và gần đây đã hoàn thành một sân bay trực thăng và cài đặt các tuabin gió cũng như các tấm bảng quang điện ở đây.
Tổ chức này cho biết thêm kể từ khi hoạt động bồi đắp nhằm kết nối 2 đảo thuộc Hoàng Sa bị phá hủy bởi một cơn bão hồi cuối tháng 10/2016, Trung Quốc đã tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp và xây dựng các cấu trúc mới ở đây.
Hôm 7/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) rằng Bắc Kinh đã hoàn tất các hoạt động bồi đắp trên Biển Đông vào 2 năm trước. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh được AMTI đăng tải hôm 9/8 đã khẳng định tuyên bố của ông Vương là “sai”./.
Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa hiện hữu |