Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ đã áp dụng "cách tiếp cận tham vấn" và đưa ra thảo luận các vấn đề, lĩnh vực quan trọng nhằm đảm bảo nhu cầu và mối quan tâm của tất cả 15 quốc gia thành viên được thực hiện.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 8/2021, Ấn Độ đã tổ chức 3 cuộc thảo luận tập trung vào lĩnh vực an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và chống khủng bố.
Đại diện thường trực Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc T.S Tirumurti nhấn mạnh Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về an ninh biển do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì vào ngày 9/8 có thể coi là một sự kiện mang tính "đột phá" vì đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ấn Độ chủ trì cuộc thảo luận mở cấp cao tại Hội đồng Bảo an.
Sự kiện cũng đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển.
Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an đề cập đến các vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh hàng hải, bao gồm vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 trong an ninh hàng hải, tự do hàng hải, chống khủng bố, buôn bán vũ khí, ma túy và con người, cướp biển... Sự kiện cho thấy tầm quan trọng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với vấn đề an ninh hàng hải.
Ngoài ra, trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar đã chủ trì hai sự kiện về gìn giữ hòa bình và công nghệ vào ngày 18/8 và cuộc họp báo cáo tóm tắt về mối đe dọa của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS/Da’esh) tự xưng đối với hòa bình và an ninh quốc tế ngày 19/8.
[Hội đồng Bảo an họp tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar]
Theo Đại sứ Tirumurti, Ấn Độ đã có sự chuẩn bị kỹ trước khi đảm đương vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với việc chủ động tham vấn các bên liên quan, chủ động đưa ra các chủ đề và thảo luận sâu rộng với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc đảm bảo rằng các kết quả trao đổi của các sự kiện được tập trung và mang lại lợi ích cụ thể cho Liên hợp quốc trong từng lĩnh vực.
Ông cho biết Ấn Độ đã áp dụng "cách tiếp cận tham vấn" khi làm việc để đảm bảo rằng các nhu cầu và mối quan tâm của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an đều được đáp ứng.
Quá trình tham vấn như vậy tuy mất thời gian, nhưng cuối cùng dẫn đến những kết quả tích cực đáng kể và được sự đồng tình ủng hộ của tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là thế mạnh của Ấn Độ và được các nước đánh giá cao, có tính chất bao trùm của các cuộc tham vấn.
Đại sứ Tirumurti nhấn mạnh những đóng góp trên đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong việc gìn giữ hòa bình, bên cạnh việc phản ánh "truyền thống lâu đời" của Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Ấn Độ đã trao đổi Biên bản ghi nhớ với Liên hợp quốc hỗ trợ sáng kiến "Đối tác về công nghệ trong gìn giữ Hòa bình" và với Học viện C4ISR của Liên hợp quốc.
Ông cho biết lần đầu tiên, Ấn Độ soạn thảo một nghị quyết về gìn giữ hòa bình, tập trung vào việc đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với các tội ác chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình. Nghị quyết được bảo trợ bởi 80 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an.
Trong “tháng bận rộn” nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Ấn Độ đã chủ trì các cuộc họp về một số vấn đề, bao gồm Syria, Liban, Somalia, Myanmar và Yemen. Cuối tháng này, sẽ có các cuộc thảo luận về Iraq, Ethiopia, tiến trình hòa bình Trung Đông./.