Sản lượng vaccine COVID-19 ngày càng tăng và hơn một nửa dân số trưởng thành của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều đang làm dấy lên hy vọng nước này sẽ sớm trở lại “đường đua” xuất khẩu vaccine trong vòng vài tháng tới.
Sau khi viện trợ/bán 66 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho gần 100 quốc gia, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu vào giữa tháng 4/2021 để tập trung cho chương trình tiêm chủng trong nước trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Động thái này đã làm đảo lộn kế hoạch tiêm chủng của nhiều quốc gia châu Phi và Nam Á.
Quốc gia có 1,3 tỷ dân này đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1/2021, nhờ sản lượng vaccine trên toàn quốc tăng hơn gấp hai lần kể từ tháng 4/2021 và hoạt động sản xuất vaccine dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại trong những tuần tới.
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết: "Vượt qua mốc 10 triệu là một kỳ tích quan trọng. Xin gửi lời chúc mừng đến những người được tiêm và những người đem lại thành công cho chiến dịch tiêm chủng". Kỷ lục tiêm chủng trước đó của Ấn Độ là 8,8 triệu liều ghi nhận ngày 21/6.
Ông NK Arora, Trưởng nhóm công tác phòng chống COVID-19 của Ấn Độ, nói với The Economic Times, rằng nước này có năng lực tiêm nhiều hơn con số nói trên. Ông khẳng định: "Hệ thống có đủ khả năng và có thể tiêm tất cả các vaccine có sẵn. Tôi đã nhiều lần đề cập rằng chúng tôi có khả năng tiêm 12,5 triệu mũi/ngày".
Nhiều dây chuyền sản xuất vaccine mới đã được thiết lập tại Ấn Độ, một loại vaccine do nhà sản xuất vaccine Cadila Healthcare phát triển đã nhận được sự chấp thuận gần đây và việc sản xuất thương mại vaccine Sputnik V của Nga đang bắt đầu ở Ấn Độ.
Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện đang sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng, nhiều hơn gấp hai lần so với mức sản lượng hồi tháng 4/2021 là khoảng 65 triệu liều.
Một nguồn tin giấu tên cho hay hiện Ấn Độ vẫn chưa có mốc thời gian cố định đối với việc xuất khẩu vaccine, song SII hy vọng có thể khởi động lại trong vài tháng tới. SII, trước đó cho biết xuất khẩu vaccine có thể nối lại vào cuối năm nay, đã không bình luận gì về thông tin này.
Trong khi đó, nền tảng chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX hy vọng Ấn Độ sẽ sớm khởi động lại hoạt động xuất khẩu vaccine ra thị trường nước ngoài.
[Cuba áp dụng vaccine Trung Quốc trong tiêm chủng ngừa COVID-19]
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters qua thư, phát ngôn viên của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), đồng sáng lập cơ chế chia sẻ vaccine COVAX, cho hay với việc thành công tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm vaccine mới, GAVI hy vọng nguồn cung ứng vaccine của Ấn Độ dành cho COVAX sẽ được khôi phục nhanh nhất có thể.
Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cơ quan điều phối việc xuất khẩu vaccine, không có phản hồi về thông tin trên.
Bharat Biotech, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 được phát triển trong nước đầu tiên của Ấn Độ, ngày 29/8 đã khánh thành một nhà máy mới với công suất sản xuất 10 triệu liều/tháng. Hãng này đặt mục tiêu "tiến tới" tổng công suất khoảng 1 tỷ liều Covaxin mỗi năm.
Trong tháng này, Thủ tướng Modi cho biết nước này có thể sản xuất tới 1,1 tỷ liều vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 9-12/2021, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người trưởng thành ở nước này trong năm nay. Hiện mới chỉ khoảng 15% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.
Cho đến nay, Ấn Độ hiện phê chuẩn 3 loại vaccine gồm Covishield của AstraZeneca-Oxford, Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) và Sputnik V của Nga. Tờ Hindustand Times cho biết ứng cử viên vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA bản địa đầu tiên của Ấn Độ được cho là an toàn trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và được cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia chấp thuận cho phép Công ty Gennova Biopharmaceuticals có trụ sở tại Pune (Ấn Độ) bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2.
Trước đó, ngày 25/8, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này sẽ phân phối bổ sung hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các bang trong nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho đội ngũ cán bộ giáo viên vào đầu tháng Chín tới khi quốc gia châu Á này dần mở cửa đón học sinh trở lại các lớp học trực tiếp.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết Bộ đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các bang ưu tiên tiêm chủng toàn bộ giáo viên trước Ngày Nhà giáo (ngày 5/9). Theo đó, các bang của Ấn Độ sẽ nhận được tổng cộng hơn 20 triệu liều vaccine bổ sung phục vụ mục đích này.
Ấn Độ cũng đã cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và hiện đang tìm cách tiêm chủng cho gần 10 triệu giáo viên các cấp sau khi bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ giữa tháng 1/2021 với đối tượng ưu tiên là người trưởng thành.
Một báo cáo sơ bộ cho thấy trong tháng 8/2021, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học tập của gần 320 triệu học sinh các cấp của Ấn Độ. Báo cáo khuyến nghị cần đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho toàn bộ học sinh, sinh viên và giáo viên cũng như đội ngũ liên quan đến ngành giáo dục để các trường học mở cửa trở lại trong thời gian sớm nhất./.