Ấn Độ kêu gọi dân đeo khẩu trang, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản giảm

Thủ tướng Modi khẳng định thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà là 'vũ khí' trong cuộc chiến chống chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ấn Độ kêu gọi dân đeo khẩu trang, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản giảm ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi người dân thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại nước này đã vượt quá con số 6 triệu người và số ca tử vong tiệm cận ngưỡng 100.000 người.

Trong bài diễn văn hằng tháng trên Đài Phát thanh quốc gia, Thủ tướng Modi khẳng định: "Những quy định này là 'vũ khí' trong cuộc chiến chống chủng virus gây chết người này. Khẩu trang là một trong những công cụ hiệu quả để cứu mạng sống của người dân."

Dịch bệnh COVID-19 đã tấn công vào các thành phố lớn tại Ấn Độ, trong đó trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi. Hiện tại dịch đã lây lan sang các vùng nông thôn và khu vực lân cận, nơi hệ thống chăm sóc y tế yếu kém và trì trệ. Ở một số điểm nóng, nơi dịch bùng phát mạnh, những người nhiễm bệnh đã nhanh lây bệnh ra cộng đồng.

[Ấn Độ ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc, số ca nhiễm tăng nhanh trở lại ở Mỹ]

Phát biểu với hãng tin AFP, cựu Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Sujatha Rao cho rằng rất khó để có thể kiểm soát được tình hình hiện nay và tình trạng này chỉ có thể khống chế được thông qua việc thực hiện cách ly nghiêm ngặt song song với các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang.

Từ cuối tháng Tám đến nay, Ấn Độ liên tục ghi nhận 80.000 đến 90.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày - mức lây nhiễm cao nhất thế giới. Dân số nước này hiện vào khoảng 1,3 tỷ người.

Sau lệnh cách ly áp đặt hồi tháng Ba vừa qua, Chính phủ Ấn Độ không thể tái áp đặt các biện pháp quy mô lớn, vốn tác động mạnh tới nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người, đặc biệt là người nghèo.

Hiện nhiều trường học đã mở cửa trở lại. Dịch vụ đường sắt, tàu điện ngầm, các chuyến bay nội địa, chợ và nhà hàng đã được phép hoạt động với việc thực hiện một số hạn chế. Khu du lịch Taj Mahal cũng đã mở cửa đón du khách từ đầu tháng này.

Ấn Độ kêu gọi dân đeo khẩu trang, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản giảm ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong khi đó, ngày 28/9, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 279 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 82.577 ca.

Trong số 279 ca mắc mới, có 78 ca tại Tokyo - lần đầu tiên ghi nhận con số nhiễm mới theo ngày dưới 100 trong gần một tuần qua.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, công bố cùng ngày, số ca mắc COVID-19 tại Tokyo, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tổng số 47 tỉnh trong cả nước, đã tăng lên 25.335 ca.

Mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản có chiều hướng giảm, các chuyên gia y tế vẫn bày tỏ lo ngại rằng nguy cơ virus "trỗi dậy" vẫn có thể xảy ra.

Tại Myanmar, giới chức nước này thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế đến cuối tháng 10. Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết để khống chế tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp hạn chế chống dịch sẽ được kéo dài đến ngày 31/10.

Quyết định gia hạn trên sẽ áp dụng với cả các hạn chế nhập cảnh tạm thời cho tất cả du khách nước ngoài cũng như tạm đình chỉ tất cả các loại thị thực, các dịch vụ miễn thị thực và thị thực du lịch.

Công dân nước ngoài, gồm cả các nhà ngoại giao muốn đến Myanmar vì nhiệm vụ khẩn cấp hoặc những có lý do khác, được yêu cầu liên hệ với cơ quan đại diện Myanmar gần nhất để giải quyết.

Theo Bộ Y tế và Thể thao, hiện Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 10.734 ca mắc và 226 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục