Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 2/5 cho thấy 2 thành phố New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016. Những thành phố này nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do WHO xếp loại.
Những thành phố còn lại của Ấn Độ có mật độ hạt bụi PM2.5 rất cao có thể kể đến là Kanpur, Faridabad, Gaya, Patna, Agra, Muzaffarpur, Srinagar, Gurgaon, Jaipur, Patiala và Jodhpur.
Số liệu của WHO còn cho biết cứ 10 người trên thế giới thì 9 người phải hít thở không khí có chứa các hạt bụi ô nhiễm. WHO cũng kêu gọi các nước thành viên ở khu vực Nam Á tích cực xử lý vấn đề ô nhiễm không khí ngoài trời, cho rằng khu vực này, trong đó có Ấn Độ, chiếm tới 34% hay tương đương với 2,4 triệu trong số 7 triệu người chết yểu trên toàn cầu mỗi năm do tình trạng trên và do ô nhiễm trong các hộ gia đình.
[Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2017]
Hạt bụi PM2.5 chứa các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrate và carbon đen, là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người. Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nhân tố có nguy cơ rất cao dẫn tới các bệnh không truyền nhiễm (NCD).
Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2016, hơn 1.000 thành phố đã được bổ sung vào danh sách những quốc gia đang đánh giá và thực hiện các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí của WHO.
Chẳng hạn như ở Ấn Độ, nước này đã triển khai một chương trình hỗ trợ 37 triệu phụ nữ nghèo tiếp cận miễn phí nguồn khí đốt hóa lỏng, qua đó giúp họ chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch cho gia đình của mình. Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80 triệu hộ gia đình được tiếp cận nguồn nhiên liệu này./.