Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Hà Nội là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt hiện nay tại Việt Nam.
Hiện Hà Nội vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân, trong đó 94,7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ. Đáng chú ý, có những hộ nuôi tới cả chục con, thậm chí gần 20 cá thể gấu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết thời gian gần đây, trung tâm đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại Hà Nội trong công tác giám sát, thực thi pháp luật cũng như tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao gấu. Nhờ đó, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên địa bàn Hà Nội (đặc biệt là tại huyện Phúc Thọ) đã giảm đáng kể.
Chỉ tính riêng từ tháng 2/2023 đến nay, đã có 22/116 cá thể gấu được các chủ nuôi ở Hà Nội tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để chuyển đến trung tâm cứu hộ, thoát khỏi môi trường sống trong các chuồng, cũi sắt.
Cứu hộ 3 gấu ngựa từ ‘xã nuôi gấu nhiều nhất nước’ về Vườn Quốc gia Bạch Mã
3 cá thể gấu ngựa được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ từ một hộ gia đình ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) và di chuyển về Vườn Quốc gia Bạch Mã ngay trong hôm nay, 9/4.
“Việc nuôi nhốt gấu này đã tạo áp lực kinh tế không nhỏ cho các chủ nuôi, song người dân vẫn không mặn mà với việc chuyển giao gấu cho nhà nước. Điều này dấy lên lo ngại rằng một số chủ nuôi có thể đang tiến hành các hoạt động nuôi nhốt, buôn bán gấu trái phép,” bà Hà chia sẻ thực tế đáng lo ngại.
Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng gấu bị nuôi nhốt trên, theo bà Hà, thời gian tới cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền các cấp thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố; các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm cần kiên trì vận động, thuyết phục các chủ gấu tự nguyện giao nộp gấu cho nhà nước.
Đại diện ENV cũng nhấn mạnh trong bối cảnh hoạt động nuôi gấu đang dần đi đến hồi kết tại các tỉnh thành trên cả nước, thành phố Hà Nội nói chung, đặc biệt là huyện Phúc Thọ, cần có những chỉ đạo và hành động quyết liệt hơn để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi gấu lấy mật tại Thủ đô.
Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật cần kịp thời xử lý những hoạt động quảng cáo, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và sản phẩm, bộ phận khác từ gấu đang phát triển mạnh mẽ trên internet, mạng xã hội.
Chia sẻ về công tác cứu hộ và chăm sóc gấu, ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã nước Việt cho biết công tác cứu hộ và chăm sóc gấu do đơn vị này quản lý hiện đang được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho gấu (bao gồm chế độ dinh dưỡng phong phú với 3 bữa ăn mỗi ngày, các hoạt động làm giàu hành vi, vận động giúp gấu phục hồi bản năng).
Mỗi cá thể gấu ngay khi về đến cơ sở bảo tồn ở Ninh Bình đều được kiểm tra sức khỏe và điều trị thú y tuỳ vào tình trạng của từng cá thể.
Với ý nghĩa nhân văn của việc cứu hộ gấu, ông Bảo cho rằng ngoài việc khuyến khích các cơ sở nuôi nhốt tư nhân chuyển giao 192 cá thể gấu còn lại cho các trung tâm cứu hộ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay ngăn chặn và xử lý các vi phạm liên quan đến gấu trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo.
Theo ông Bảo, biện pháp trên không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm nhu cầu sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu mà còn tạo sức răn đe hiệu quả; qua đó góp phần bảo tồn gấu tại Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), sau gần 20 năm nỗ lực tuyên truyền, cứu hộ, nhằm chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, số lượng gấu tại các cơ sở tư nhân trên cả nước đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 xuống còn 192 cá thể tại 60 trại nuôi tư nhân./.