Cô K. Rajeswari, 22 tuổi, đã phải chịu đựng sự nghi ngại nặng nề từ cộng đồng khi trong 2 tháng đứa con trai đầu lòng của cô đã bốc cháy tới 4 lần.
Theo Daily Telegraph, bé Rahul đột nhiên tự bốc cháy khi cậu bé mới được 9 ngày tuổi và trong vòng 2 tháng cậu bé đã bốc cháy tới 4 lần, để lại những vết bỏng lớn trên đầu, ngực và đùi.
Các bác sỹ đã làm rất nhiều kiểm tra và xét nghiệm cho cậu bé, nhưng họ vẫn không thể xác định liệu đó có phải hiện tượng tự bốc cháy ở người hay không.
Một giả thuyết được đưa ra, đó là đứa trẻ đã tự sản sinh ra những loại khí có khả năng bốc cháy, nhưng giả thuyết này đã được bác bỏ sau khi các xét nghiệm không cho thấy sự xuất hiện của bất kỳ loại khí nào có khả năng.
"Chúng tôi không phát hiện được khí methane hay khí ethanol tỏa ra từ người cậu bé Rahul," bác sỹ Narayana Babu, trưởng khoa Nhi tại Đại học Y khoa Kilpauk cho biết.
Ngọn lửa bí ẩn không còn bùng lên nữa khi các bác sỹ khuyên cha mẹ của Rahul duy trì độ ẩm cơ thể cho cậu bé, để cậu nằm trong phòng thoáng khí và mặc quần áo vải bông.
Tuy nhiên, các bác sỹ lại một lần nữa phải quay lại với vụ việc khi cô Rajeswari chạy tới phòng cấp cứu với một bé trai khác bị bỏng vì đột ngột bốc cháy ngay tại nhà hôm 15/1 vừa qua.
Cậu bé này đã được làm các xét nghiệm và sẽ được theo dõi chặt chẽ bằng máy quay trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Đại học Y khoa Kilpauk ở Chennai, nam Ấn Độ. Các bác sỹ cũng đang điều trị vết bỏng 5% trên hai chân của cậu bé.
Cô Rajeswari cho biết cô phát hiện con trai đang bốc cháy khi vừa từ phòng tắm ra. "Tôi vào phòng tắm ở phía sau nhà. Khi tôi quay lại, tôi nghe tiếng con tôi hét lên và chạy tới. Chân thằng bé cháy rực. Tôi lập tức nhúng nó vào nước rồi đưa đến bệnh viện," người mẹ trẻ kể lại.
Gia đình cô Rajeswari đã bị đuổi khỏi ngôi làng ở quận Villipuram, cách Chennai 200 km về phía nam sau khi dân làng phát hiện con trai đầu lòng của họ tự bốc cháy. Hàng xóm nghi ngờ họ đã cố tình châm lửa đốt con, và gia đình bên nội cũng đã đuổi họ đi sau khi bé Rahul bốc cháy lần thứ ba.
Các bác sỹ cho biết việc cơ thể đột nhiên bốc cháy thường liên quan với những trường hợp trẻ em bị lạm dụng, hay còn gọi là Hội chứng Munchausen, xảy ra khi người chăm sóc chính của các em đã nói quá hoặc bịa đặt về tình trạng bệnh tật của trẻ.
Mặc dù các bác sỹ nghi ngờ khả năng Rahul có thể là nạn nhân của kiểu lạm dụng trẻ em này, nhưng không tìm thấy tổn thương nội tạng nào trên người cậu bé.
Một lời giải thích khác có thể là vì vật liệu xây dựng được sử dụng tại nơi sinh sống. Năm 2004, một số ngôi nhà tại đây đã bị bốc cháy do lượng phốt pho dễ cháy nồng độ cao được sử dụng để làm nhà.
Cô Rajeswari hiện đang được hướng dẫn chăm sóc các con tại bệnh viện, và một đội điều tra 4 người đã được cử đến để làm rõ nguyên nhân gây ra các vết bỏng trên người con trai út của cô./.