Quan hệ Ấn Độ-Pakistan vẫn căng thẳng cả trên thực địa lẫn trên chính trường khi giao tranh tiếp diễn dọc đường Biên giới quốc tế (IB) cũng như Ranh giới kiểm soát (LoC) trên khu vực tranh chấp Kashmir, trong khi đó hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và triển khai các biện pháp phản đối thông qua kênh ngoại giao.
Các nguồn tin cho biết rạng sáng 9/10, binh sỹ Pakistan và Ấn Độ tiếp tục đấu súng, 2 phụ nữ thiệt mạng và 25 người bị thương do đạn pháo của Pakistan bắn vào Samba thuộc khu vực Jammu. Lực lượng Biên phòng Ấn Độ đã được yêu cầu không tiến hành bất cứ cuộc họp cấp chỉ huy lực lượng khu vực nào với Pakistan cho đến khi các vụ bắn phá chấm dứt.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã cảnh báo Pakistan phải ngừng ngay hành động bắn phá "đầy khiêu khích" ở Kashmir. Ông nói: "Nếu Pakistan tiếp tục chủ nghĩa phiêu lưu này, thì chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và cái giá của sự phiêu lưu này sẽ rất đắt."
Trước đó, chiều 8/10, Ấn Độ đã triệu Phó Đại sứ Pakistan tại New Delhi Mansoor Ahmed Khan tới để trao công hàm cực lực phản đối Islamabad vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và yêu cầu nước này chấm dứt các vụ bắn phá khiêu khích qua biên giới gây thương vong cho dân thường.
akistan cũng đã có hành động ngoại giao tương tự đối với Ấn Độ khi triệu Phó Đại sứ JP Singh (JP Xai) tại Islamabad đến để trao công hàm phản đối. Islamabad còn gửi thư phản đối Ấn Độ lên Nhóm quan sát viên quân sự Liên hợp quốc (UNMOGIP).
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí chiều 8/10, Thủ tướng Modi nói rằng “mọi việc sẽ sớm tốt đẹp” nhưng không cho biết làm thế nào để đưa quan hệ Ấn Độ-Pakistan trở lại bình thường. Theo kế hoạch, Tư lệnh lực lượng biên phòng Ấn Độ DK Pathak sẽ gặp Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh và Cố vấn quốc gia Ajit Doval trong ngày 9/10 để đánh giá tình hình thực địa.
Ngoài ra, theo nguồn tin ngoại giao, các cuộc hội đàm giữa Ấn Độ và Pakistan có thể diễn ra nếu Pakistan có "thiện chí" và Ấn Độ cũng tuyên bố rõ ràng rằng New Delhi sẽ không chấp nhận bất cứ sự can thiệp của bên thứ ba nào.
Các nhà phân tích cho rằng bạo lực bùng phát tại khu vực biên giới ở thời điểm quân đội Pakistan đang nắm vai trò quyết đoán hơn trong khi phía Ấn Độ phải thể hiện lập trường cứng rắn trước cuộc bầu cử viện Lập pháp bang trong tháng này, do đó khó có sự nhân nhượng để giải quyết vấn đề.
Thỏa thuận ngừng bắn dọc IB và LoC đạt được năm 2003 được coi như một công cụ xây dựng lòng tin quan trọng nhất giữa hai nước láng giềng Ấn Độ-Pakistan. Tuy nhiên, các cuộc đấu súng vẫn thường diễn ra từ đầu năm đến nay, nhưng đây là đợt xung đột kéo dài và dữ dội nhất./.