Ngày 2/7, giới chức Ấn Độ thông báo các vụ sập tường do mưa lớn đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng tại thành phố Mumbai, bang Maharashtra, miền Tây nước này.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp mưa lớn xảy ra tại trung tâm tài chính này của Ấn Độ gây gián đoạn giao thông đường sắt và hàng không, khiến nhà chức trách phải yêu cầu đóng cửa các trường học và văn phòng làm việc, trong khi các siêu thị vẫn hoạt động.
Cứ mỗi mùa mưa về, kéo dài từ tháng 6-9, Ấn Độ lại ghi nhận nhiều vụ sập tường và sập nhà do mưa lớn làm suy yếu lớp móng của các công trình xây dựng kém chất lượng.
Theo lực lượng cứu hộ, mưa lớn đã khiến một bức tường đổ sập lên các chuồng gia súc trên một sườn đồi ở Malad, vùng ngoại ô phía Tây của thủ đô Mumbai, khiến 18 người thiệt mạng.
[Ấn Độ: Sập tường khiến ít nhất 15 người thiệt mạng]
Hiện công tác cứu hộ đang được tiến hành và cho tới nay lực lượng chức năng đã cứu được hơn 20 người.
Trong khi đó, ba người cũng đã thiệt mạng khi một bức tường tại một trường học đổ sập ở thành phố Kalyan, cách Mumbai 42km về phía Bắc. Tại thành phố Pune lân cận, một vụ sập tường do mưa lớn cũng đã cướp đi sinh mạng của sáu người.
Sân bay Mumbai đã phải đóng cửa đường băng chính một ngày sau khi một chiếc máy bay SpiceJet đã chạy quá và bị kẹt ở phía cuối đường băng khi hạ cánh. Rất may toàn bộ 167 hành khách đều an toàn, song sự cố này đã buộc các chuyến bay khác phải chuyển hướng sang đường băng thứ hai. Giới chức sân bay cho biết hiện đang nỗ lực di chuyển chiếc máy bay trên ra khỏi đường băng.
Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước cũng cảnh báo hành khách về khả năng mưa lớn có thể ảnh hưởng tới lịch trình các chuyến bay đến và đi, đồng thời yêu cầu hành khách kiểm tra tình trạng chuyến bay của mình trước khi đến sân bay.
Theo thống kê, lượng mưa đo được tại một số khu vực ở Mumbai trong 24 giờ qua đã lên tới hơn 300mm, khiến nhiều tuyến phố và đường ray tàu hỏa bị ngập. Dự báo mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 2/7. Nhà chức trách yêu cầu người dân ở trong nhà nếu không có việc khẩn cấp.
Mumbai đang muốn vươn lên trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, song hệ thống cơ sở hạ tầng tại thành phố này vẫn chưa thể xử lý tình huống khẩn cấp khi mùa mưa đến.
Nhiều khu vực trong thành phố dễ dàng rơi vào tình trạng hỗn loạn do bị úng ngập mà nguyên nhân chính xuất phát hệ thống thoát nước thường xuyên ngập rác thải nhựa.
Năm 2015, Mumbai từng hứng chịu trật lụt nghiêm trọng, trong đó hơn 500 người thiệt mạng. Hầu hết số nạn nhân tử vong đều sinh sống tại các khu nhà ổ chuột - nơi cư trú của hơn 50% dân số thành phố này./.