Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết Thủ tướng Narendra Modi ngày 18/2 đã có bài phát biểu tại hội thảo trực tuyến với chủ đề ''Quản lý COVID-19: Kinh nghiệm, Thực tiễn tốt và Con đường phía trước."
Tham dự hội thảo có các lãnh đạo y tế, chuyên gia và quan chức của Ấn Độ và 10 nước láng giềng khu vực Nam Á gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Mauritius, Nepal, Pakistan, Seychelles và Sri Lanka.
Thủ tướng Modi đã hoan nghênh cách hệ thống y tế của các nước hợp tác trong thời kỳ đại dịch và đối phó với thách thức ở khu vực đông dân cư nhất. Ông nhắc lại việc thành lập Quỹ ứng phó khẩn cấp COVID-19 để đáp ứng các chi phí đột xuất cho công tác phòng chống đại dịch và chia sẻ các nguồn lực, như thuốc men, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cũng như thiết bị xét nghiệm.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những phương pháp hay nhất của các nước trong xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý chất thải y tế. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh tinh thần hợp tác này có được kể từ sau khi xảy ra đại dịch COVID-19. Theo ông Modi, hy vọng của khu vực cũng như thế giới hiện nay là tập trung vào việc triển khai nhanh chóng các loại vắcxin ngừa COVID-19.
Người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ cũng đã đề nghị các nước nâng cao tham vọng hơn nữa với đề nghị tạo ra một chương trình thị thực đặc biệt cho các bác sỹ và y tá, để họ có thể đi lại nhanh chóng trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp về bảo vệ sức khỏe, theo yêu cầu của nước tiếp nhận.
Ông cũng đưa ra gợi ý về việc liệu các cơ quan hàng không dân dụng trong khu vực có thể tiến tới một thỏa thuận cấp cứu hàng không cho các trường hợp y tế hay không.
[Thủ tướng Hàn Quốc cam kết sớm ngăn chặn đại dịch COVID-19]
Ông cũng đưa ra ý kiến rằng có thể tạo nền tảng khu vực để đối chiếu, biên soạn và nghiên cứu dữ liệu về hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 trong cộng đồng. Hơn nữa, ông cũng đề cập đến việc có thể tạo ra một mạng lưới khu vực để thúc đẩy dịch tễ học với sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Ngoài những vấn đề liên quan đến dịch COVID-19, Thủ tướng Ấn Độ cũng đã đề nghị chia sẻ các chính sách và chương trình y tế công cộng thành công. Ông gợi ý ứng dụng truy vết, hỗ trợ, kiểm soát thông tin về nguy cơ nhiễm bệnh của người dân (Ayushman Bharat và Jan Arogya) của Ấn Độ có thể là những nghiên cứu điển hình hữu ích cho khu vực.
Ông nhấn mạnh: "Nếu thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á, thì không thể thiếu sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các quốc gia Nam Á và Ấn Độ Dương. Tinh thần đoàn kết khu vực mà các bạn thể hiện trong thời kỳ đại dịch đã chứng minh rằng việc hội nhập như vậy là có thể thực hiện được.”
Hạ viện Hà Lan "bật đèn xanh" cho luật giới nghiêm mới
Hạ viện Hà Lan ngày 18/2 đã "bật đèn xanh" cho dự luật cho phép chính phủ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm tại nước này để ngăn chặn đại dịch COVID-19, qua đó tránh phán quyết của tòa án yêu cầu dỡ bỏ biện pháp này.
Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 23/1 vừa qua với thời gian có hiệu lực từ 21 giờ tối hôm trước đến 4 giờ 30 sáng hôm sau. Tuy nhiên, một thẩm phán ngày 16/2 đã ra phán quyết rằng chính phủ hành động không đúng theo luật khẩn cấp và cần phải chấm dứt lệnh giới nghiêm ngay lập tức.
Cùng ngày, một tòa phúc thẩm đã đình chỉ yêu cầu này, đồng thời cho phép tiếp tục được thực thi lệnh giới nghiêm cho đến phiên tòa chính thức vào ngày 19/2, thời điểm mà theo kế hoạch, dự luật trên cũng sẽ được trình lên Thượng viện.
Phát biểu trước các Hạ nghị sỹ, Thủ tướng Rutte nhấn mạnh: "Chúng ta đang chiến đấu với một trong những cuộc khủng hoảng thời hậu chiến lớn nhất của đất nước. Cuộc khủng hoảng này tác động trực tiếp đến sự an toàn của chúng ta, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống y tế công của chúng ta và hàng nghìn người đã tử vong. Tôi tin rằng lệnh giới nghiêm là cần thiết."
Ông cho biết chính phủ sẽ chờ đợi quyết định của tòa án, đồng thời hy vọng lệnh giới nghiêm được ban hành lần đầu tiên tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai này sẽ không sớm bị dỡ bỏ./.