Ấn Độ và Trung Quốc đang duy trì liên lạc về việc rút quân hoàn toàn khỏi các điểm xung đột tại khu vực biên giới Ladakh, trong bối cảnh hai nước vẫn bế tắc trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng tại Đường Kiểm soát thực tế (LAC).
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu với báo giới ngày 8/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết tại cuộc họp Cơ chế Làm việc tham vấn và phối hợp (WMCC) về các vấn đề biên giới diễn ra trung tuần tháng 12/2020, các quan chức hai nước đã đánh giá những diễn biến ở LAC và nhất trí sớm tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo giữa các chỉ huy quân sự cấp cao và thường xuyên liên lạc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự về vấn đề này.
Cả hai bên cũng đang duy trì liên lạc ở cấp cơ sở để tránh mọi hiểu lầm và đánh giá sai, trong khi tiếp tục đàm phán để đạt được mục tiêu rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các khu vực xung đột theo những thỏa thuận song phương hiện có nhằm khôi phục hòa bình và yên tĩnh.
[Ấn Độ thông báo nội dung đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới]
Trước đó, giới chức Ấn Độ và Trung Quốc khẳng định các cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự đã góp phần mang lại sự ổn định trên thực địa. Hai cuộc họp gần đây nhất giữa các chỉ huy quân sự được tổ chức vào ngày 12/10 và 6/11/2020, trong bối cảnh hàng chục nghìn binh sỹ của cả hai bên vẫn đang bám trụ dọc LAC trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C, sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự không thể dẫn đến việc rút quân khỏi khu vực này.
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar từng tuyên bố quan hệ song phương đã “bị tổn hại đáng kể” do việc Bắc Kinh vi phạm các thỏa thuận biên giới và việc Trung Quốc triển khai hàng nghìn binh sỹ ở LAC đã đẩy quan hệ giữa hai nước vào giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5/2020 trong bối cảnh cảnh hai bên đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sỹ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới.
Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đến đồng thuận về vấn đề biên giới./.