Ngày 12/11, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã công bố gói kích thích trị giá 2.650 tỷ rupee (hơn 35 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế hiện đang suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.
Các biện pháp kích thích mới này nằm trong gói kích thích "Tự lực 3.0" đang được triển khai trong hơn 3 tháng qua, tập trung vào hỗ trợ các ngành hoạt động khó khăn do tác động của đại dịch, nhóm có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa...
Các biện pháp mới này chủ yếu tập trung vào tạo việc làm, thúc đẩy các ngành cần nhiều lao động như bất động sản và chế tạo.
Bộ trưởng Sitharaman cũng công bố một chương trình mới nhằm tạo việc làm trong khuôn khổ chương trình "Ấn Độ tự lực việc làm". Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng gia hạn Chương trình Đảm bảo chuỗi tín dụng khẩn cấp hiện hành cho đến ngày 31/3/2021.
[Kinh tế Ấn Độ hướng đến kịch bản nghiêm trọng hơn do dịch COVID-19]
Trong số các biện pháp kích thích mới có việc cấp 9 tỷ rupee cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vắcxin phòng COVID-19; 30 tỷ rupee cho Ngân hàng EXIM thông qua chuỗi tín dụng theo chương trình IDEAS nhằm thúc đẩy các dự án xuất khẩu.
Các dự án khác được nhận hỗ trợ thuộc các lĩnh vực đường sắt, điện lực, đường bộ và giao thông, ôtô và phụ tùng ôtô ... cùng một số liên quan tới tạo việc làm, nông nghệp và cơ sở hạ tầng.
Nền kinh tế Ấn Độ lớn thứ 3 ở châu Á đang chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, với mức tăng trưởng giảm kỷ lục 23,9% trong quý 2/2020.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết nước này lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Dự báo, kinh tế Ấn Độ giảm khoảng 8,6% trong quý 3/2020, dẫn tới suy thoái kỹ thuật (tức là có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm)./.