Trong báo cáo công bố ngày 21/10, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hối thúc ngành may mặc cần làm nhiều hơn nữa để bảo đảm công việc và cuộc sống của công nhân, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề cho ngành may mặc, khiến nhiều người trong số 65 triệu công nhân trong ngành ở châu Á phải vật lộn khi các nhà máy phải đóng cửa hoặc cắt giảm tiền lương.
Báo cáo lưu ý rằng xuất khẩu từ các nước xuất khẩu hàng may mặc ở châu Á trong nửa đầu năm 2020 đã giảm tới 70%, và vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi bùng phát đại dịch, khiến nhiều công nhân mất việc làm do các nhà máy đóng cửa hoặc giảm sản xuất.
Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Văn phòng ILO tại Bangkok (Thái Lan) Christian Viegelahn cho rằng mặc dù đại dịch gây ảnh hưởng “đáng sợ” đối những người làm việc trong ngành may mặc, hầu hết là phụ nữ, COVID-19 cũng làm các thương hiệu thời trang nâng cao khả năng linh hoạt hơn, bền vững hơn và “lấy con người làm trung tâm.”
Chuyên gia Viegelahn nhận định sự phục hồi hoàn toàn của ngành có thể sẽ phụ thuộc vào việc vượt qua đại dịch và có thể phải đợi đến sau năm 2022.
[Dịch COVID-19: Công nhân may mặc toàn cầu mất gần 6 tỷ USD thu nhập]
Ngoài ra, báo cáo của ILO đã đánh giá các điều kiện tại 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gồm có Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Khu vực này chiếm đến 3/4 tổng số việc làm của các nhà máy may mặc.
Gần một nửa số việc làm liên quan đến may mặc tại khu vực châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu sang các nước giàu có ở Phương Tây, nơi mà sự bùng phát đại dịch COVID-19 từng dẫn đến việc phong tỏa có thể lại làm gián đoạn việc mua sắm và buôn bán một lần nữa khi số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh tại các nước châu Âu.
Nghiên cứu của ILO được thực hiện bởi đại học Cornell và nhóm ILO, bao gồm các chuyên gia từ nhiều nhóm khác như Better Work, nhằm mục đích cải thiện các điều kiện trong ngành may mặc./.