An Giang: Chống buôn lậu trên tuyến biên giới mùa nước nổi

Biên giới An Giang-Campuchia dài gần 100km nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến rất phức tạp, tăng giảm theo thời điểm, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa.
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (Ban Chỉ đạo 389) sơ kết công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (Ban Chỉ đạo 389) sơ kết công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh An Giang triển khai quyết liệt, khiến cho hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới giảm về quy mô, số lượng, tổ chức và tích chất phức tạp.

Tuy nhiên, ở một số thời điểm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa tăng cao, nhất là ở mặt hàng đường cát, các đối tượng buôn lậu tìm đủ phương cách, lén lút ngày đêm đưa hàng qua biên giới tiêu thụ, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Lo ngại tình hình buôn lậu mùa nước nổi

Tuyến biên giới An Giang-Campuchia dài gần 100km nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến rất phức tạp, tăng giảm theo từng thời điểm, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Hàng lậu được các đối tượng buôn lậu ngụy trang, cất giấu rất tinh vi. Các đường dây vận chuyển được tổ chức, hoạt động rất chuyên nghiệp; thời gian hoạt động thường vào đêm khuya để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo đó, hàng hóa nhập lậu được tập kết sát với biên giới An Giang, khi có thời cơ thuận lợi các đối tượng này sử dụng vỏ lãi, xuồng máy, xe môtô hoặc thuê người đai vác để vận chuyển nhỏ, lẻ qua biên giới bằng các đường mòn, lối mở, dòng sông chung, cánh đồng giáp biên An Giang với phía Campuchia.

Hàng lậu sau khi tuồng qua đến An Giang, đối tượng buôn lậu nhanh chóng tập kết lại, đưa lên các phương tiện như xe gắn máy, ôtô tải, ôtô khách,… đang neo đậu chờ sẵn để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Để chống lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng buộn lậu luôn cử người theo dõi rất chặt chẽ, sát sao các hoạt động, cũng như sinh hoạt của các lực lượng chức năng, từng cán bộ để chủ động thông báo cho nhau né tránh.

Cá biệt, tại khu vực biên giới thành phố Châu Đốc xuất hiện tình hình các đối tượng thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng lậu qua biên giới nhằm đối phó, né tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho biết những tháng đầu năm nay do xuất hiện dịch COVID-19, trên tuyến biên giới lực lượng biên phòng đã có 136 chốt, với gần 900 cán bộ, chiến sỹ chốt chặn, nên tình hình buôn lậu có hạ nhiệt. Các đối tượng buôn lậu chỉ lén lút hoạt động vào ban đêm và sáng sớm.

Tình hình buôn lậu tuy lắng xuống, nhưng khu vực thành phố Châu Đốc lại nổi lên tình trạng các đối tượng đai vác hàng lậu tập trung đông người để vận chuyển thuốc lá lậu. Khi lực lượng chức năng vây bắt, các đối tượng này sẵn sàng dùng cây, dao, gậy chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng để cướp lại hàng.

[Nhóm buôn lậu vứt bỏ 7.500 bao thuốc lá ngoại để thoát thân]

Đại tá Lý Kế Tùng lo ngại khu vực biên giới An Giang bước vào mùa nước nổi (khoảng cuối tháng Chín), nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửa Long sẽ gây khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu; đặc biệt khu vực 13km đường sông thuộc khu vực xã Khánh Bình, huyện An Phú.

"Mấy hôm trước, chúng tôi dùng tàu kiểm tra các chốt chống dịch COVID-19 kết hợp phòng chống buôn lậu tại khu vực đoạn sông phân định biên giới Việt Nam- Campuchia ở khu vực Khánh Bình, huyện An Phú, xuồng chúng tôi đi trước 100m, các ghe nhỏ vận chuyển hàng lậu đã chạy xuyên qua sông. Khi bị vây bắt, các đối tượng vận chuyển khai nhận được các đầu nậu bên phía Campuchia thuê vận chuyển hàng sang Việt Nam lấy tiền công, không biết là hàng lậu nên rất khó xử lý," Đại tá Lý Kế Tùng thông tin.

Gia tăng buôn lậu đường cát

Trên tuyến biên giới An Giang đối tượng buôn lậu thường hoạt động ở khu vực Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu; xã Long Bình, huyện An Phú; phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc và khu vực thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên.

Các đối tượng buôn lậu vận chuyển bằng xe gắn máy hai bánh chạy tốc độ cao; cất giấu, trà trộn trên các phương tiện chở khách và hàng hóa; trên tuyến đường thủy có các tàu, thuyền, ghe... lợi dụng chở hàng hóa hợp pháp để cất giấu hàng lậu. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá, đường cát, nước ngọt, pháo, bia, lợn, quần áo, mỹ phẩm, dược phẩm, điện lạnh, điện tử, đồ gia dụng, khẩu trang y tế, lợn...

Đặc biệt từ khi Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 làm giảm thuế nhập khẩu, xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng đường. Từ đó, giá đường trong nước và giá đường tại Campuchia không còn chênh lệch nhiều, có thời điểm giá đường trong nước là 625.000 đồng/bao, trong khi giá đường tại Campuchia chỉ có 610.000 đồng/bao.

Do có sự chênh lệch về giá, thời gian qua An Giang nổi lên là điểm nóng buôn lậu đường cát. Một số đối tượng lợi dụng hồ sơ thủ tục nhập khẩu để hợp thực hóa đường cát nhập lậu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Phó Cục trường phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho rằng tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên sẽ gia tăng trở lại trong thời gian tới do nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt, khi các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở tuyến biên giới được tỉnh An Giang được siết chặt.

"Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là đường cát, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, đồ điện tử, điện lãnh, đồ gia dụng... Riêng đối với mặt hàng đường cát, dù đã có dấu hiệu giảm nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn lợi dụng lợi dụng hồ sơ thủ tục nhập khẩu để hợp thực hóa đường cát nhập lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý," ông Huỳnh Ngọc Hồ nói.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó cục trưởng Cục Hải quan An Giang cho rằng, cầu càng cao, lời càng nhiều, buôn lậu ngày càng liều lĩnh và khi nhu cầu cao, giá cả tăng cao thì các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi cách đưa hàng lậu từ Campuchia qua tuyến biên giới An Giang để tiêu thụ.

Ông Đinh Văn Tươi lo lắng, hiện công tác phòng chống buôn lậu mặt hàng đường cát đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi đường cát Thái Lan và đường Việt Nam điều sản xuất ra từ mía đường. Cùng với đó, việc kiểm nghiệm để phân biệt đường Thái hay đường Việt cũng rất khó khăn, nếu không có bao bì để phân biệt hoặc các đối tượng buôn lậu không khai nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

An Giang: Chống buôn lậu trên tuyến biên giới mùa nước nổi ảnh 1Lực lượng hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát.

"Khâu kiểm nghiệm đối với mặt hàng đường cát chưa rõ ràng, dẫn đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi buôn lậu mặt hàng này gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan có văn bản chỉ đạo, cũng như sớm xây dựng các chỉ tiêu đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng mặt hàng đường cát, trong đó quan trọng nhất là việc xác định được đường cát nội địa và đường cát Thái Lan," ông Tươi đề xuất.

Ngăn chặn tội phạm buôn lậu

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (viết tắt Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang), tính đến hết tháng Bảy vừa qua, trên địa bàn tỉnh An Giang, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.236 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng 4,4% so cùng kỳ so với năm 2019. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ gần 30 tỷ đồng, giảm 42,2% so cùng kỳ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 13 tỷ đồng, tăng 34,5% so cùng kỳ ngoái.

Ngoài ra, lực lượng chức năng khởi tố 25 vụ/30 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu tăng 6 vụ và 12 đối tượng so với cùng kỳ, trị giá tang vật bị khởi tố gần 580 triệu đồng. Trong đó, lực lượng chức năng bắt giữ gần 530.000 gói thuốc lá nhập lậu và gần 170.000kg đường cát nhập lậu.

Do đường biên giới dài, rộng, nhiều đường mòn, lối mòn, kênh rạch qua lại, nên các đối tượng vẫn tranh thủ sơ hở của lực lượng trong quá trình tổ chức canh trực, thời điểm đêm khuya... để lén lút vận chuyển nhỏ lẻ hàng lậu qua biên giới.

Các đối tượng tham gia tiếp tay cho bọn buôn lậu thường được gắn trách nhiệm bồi thường, nên chúng hoạt động rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi tổ chức bắt giữ.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Phó Cục trường phụ trách Cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang cho rằng giá cả và nguồn hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong nước tuy đã ổn định, nhưng tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nên những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vẫn có khả năng phát sinh và tình hình buôn lậu cũng sẽ phức tạp.

"Để đấu tranh với tội phạm buôn lậu, các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường tỉnh An Giang sẽ tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả; xác lập chuyên án đấu tranh triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng buôn lậu phức tạp, tập trung mặt hàng thuốc lá; tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp liên ngành chống buôn lậu; buôn bán, vận chuyển hàng cấm; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang," ông Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.

Ông Lê Văn Nưng, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, các vụ buôn lậu qua tuyến biên giới An Giang bị phát hiện, các đối tượng bị bắt giữ, khởi tố đưa ra xét xử thời gian qua chỉ là các vụ nhỏ, lẻ, chưa bắt được các đối tượng đầu nậu cầm đầu đứng sau các vụ buôn lậu. Vì vậy, công tác đấu tranh với bọn buôn lậu rất khó khăn, lâu dài và phức tạp, cần sự phối hợp tất cả các ngành trong việc đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

"Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sĩ, nhất là đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát để chủ động phòng ngừa các hành vi tham nhũng, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu," ông Lê Văn Nưng yêu cầu.

Ông Lê Văn Nưng cho biết Ban chỉ đạo 389 tỉnh cũng sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn phối hợp sớm triển khai lắp đặt hệ thống camera tại tuyến, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới, nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, giám sát chặt chẽ hơn tình hình buôn lậu 24/24h. Đặc biệt là các địa bàn trọng điểm bọn buôn lậu gia tăng hoạt động như Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu…

Dự báo trong những tháng cuối năm 2020 tội phạm buôn lậu sẽ gia tăng ở tuyến biên giới, Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cũng đã yêu cầu các Sở, ngành và địa phương khu vực biên giới tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biến giới ở các địa phương như An Phú, Tân Châu, Châu Đốc, Tịnh Biên.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, khẳng định khi lực lượng biên phòng, hải quan, công an tăng cường thêm các chốt vừa chống dịch COVID 19, vừa chống buôn lậu ở các địa bàn trọng điểm biên giới, nhất là khu vực huyện An Phú tình hình buôn lậu sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi một cách hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục