An Giang chuẩn bị điều kiện thu hút đầu tư khi TPP có hiệu lực

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, tỉnh sẽ chuẩn bị các điều kiện để xuất khẩu nông, thủy sản, thu hút đầu tư khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Bà Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại một buổi làm việc ở tỉnh. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, phóng viên đã phỏng vấn bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

- Xin bà đánh giá về những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua và những hạn chế cần khắc phục?

Bà Võ Thị Ánh Xuân: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của tỉnh.

Song, với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh An Giang đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, ra sức tổ chức thực hiện Nghị quyết, lập được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 8,63%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 39,274 triệu đồng/người/năm.

Các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng khá; cơ sở vật chất-kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn được đổi mới. Văn hóa-xã hội có bước tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Điểm nổi bật của nhiệm kỳ qua là nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò nền tảng, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn. Nhằm tạo hướng đi mới khi nông nghiệp đã “chạm trần” tăng trưởng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững.

Tỉnh cũng chủ trương khuyến khích tổ chức lại sản xuất; đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả bước đầu, được nông dân ủng hộ, như mô hình “cánh đồng lớn,” chuỗi giá trị rau màu, thủy sản...

Chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đời sống người dân và bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ nét. Dù gặp khó về thị trường nhưng đến nay hàng hóa của An Giang đã có mặt ở 133 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng 26 nước so năm 2010); kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 4,65 tỷ USD.

Lợi thế về du lịch phát huy, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện, lượng khách đến tham quan tăng hàng năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5% cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, tiềm lực về quân sự, quốc phòng được tăng cường. An ninh-chính trị, trật tự-an toàn xã hội ổn định, nhất là tuyến biên giới. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc, góp phần giữ vững khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Cùng với những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đánh giá những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh để sớm có những giải pháp khắc phục. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, nhất là các chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là trong nông nghiệp còn chậm. Lợi thế về dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng. Công nghiệp chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Môi trường đầu tư kém hấp dẫn, chưa huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao trong các ngành then chốt. Đổi mới giáo dục-đào tạo gặp nhiều lúng túng. Đời sống người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc còn khó khăn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường gây nhiều bức xúc. An ninh-chính trị, nhất là tuyến biên giới, vùng dân tộc tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp có lúc, có nơi chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sụt giảm.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW chưa đi vào chiều sâu. Công tác tổ chức cán bộ một số nơi còn hạn chế. Phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy chậm cải tiến, thiếu chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

- Với đặc thù của tỉnh An Giang, xin bà cho biết những kế hoạch và biện pháp để khắc phục tồn tại, từ đó phát huy tiềm năng, tạo bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ mới?

Bà Võ Thị Ánh Xuân: Đảng bộ An Giang xác định mục tiêu của nhiệm kỳ tới là “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế trong liên kết vùng và lợi thế so sánh của địa phương, huy động nguồn lực xã hội và tranh thủ ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020 quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”

Về phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nhiều sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản có hàm lượng khoa học-công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao, phấn đấu đến năm 2020 phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường.

Tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế về thương mại, dịch vụ và du lịch; xây dựng chiến lược thị trường cho lúa gạo, cá tra và rau màu; đa dạng hóa các loại hình thương mại, khai thác có hiệu quả thị trường nông thôn.

An Giang cũng chuẩn bị các điều kiện để xuất khẩu nông, thủy sản, thu hút đầu tư khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý đi đôi với đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Ngoài ra, đầu tư hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện; tăng cường quốc phòng-an ninh; giữ vững trật tự-an toàn xã hội, an ninh biên giới.

Tỉnh An Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp; xây dựng chính quyền cơ sở đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đề cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác chính trị-tư tưởng; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; trọng dụng người có đức, có tài; nâng chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã; làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng…

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, An Giang xác định 3 khâu đột phá: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư; đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Xin cảm ơn bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục